Thứ Bảy, 18/5/2024

Thông báo tình hình sâu Keo mùa thu gây hại ngô vụ Đông và biện pháp phòng trừ (Số 43/2021). Hạ Hòa.

Tuần 39. Tháng 9/2021. Ngày 22/09/2021
Từ ngày: 20/09/2021. Đến ngày: 22/09/2021

CHI CỤC TT&BVTV PHÚ THỌ

TRẠM TRỒNG TRỌT & BVTV HẠ HÒA



Số: 43/TB – TT&BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



        Hạ Hoà, ngày 22 tháng 9 năm 2021

                                   

THÔNG BÁO

Tình hình sâu Keo mùa thu gây hại ngô vụ Đông và biện pháp phòng trừ



Hiện nay, diện tích ngô trên toàn huyện đang trong giai đoạn trồng đến 3 lá, một số diện tích ngô trồng sớm đang ở giai đoạn 4 đến 5 lá. Trong thời gian vừa qua, thời tiết ngày nắng, đêm và sáng sớm trời có sương là điều kiện thuận lợi cho sâu keo mùa thu phát triển gây hại. Qua kỳ điều tra Tuần 38 (20-21/9) cho thấy, trưởng thành sâu keo mùa thu đã và đang di chuyển, đẻ trứng và gây hại đặc biệt trên ngô 3-5 lá. Trạm Trồng trọt và BVTV thông báo tình hình sâu keo mùa thu, dự  báo trong thời gian tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

1. Tình hình dịch hại:

1.1. Hiện tại: Trưởng thành di chuyển và đẻ trứng trên cây ngô non khi mới 2 lá trở đi. Mật độ sâu non phổ biến 1-1,4 con/m2, cao 2,8 con/m2, cục bộ 10 - 12 con/m2 trên ngô 3 đến 5 lá; phát dục chủ yếu tuổi 1,2,3; Diện tích nhiễm 37,5 ha, trong đó nhiễm nặng 0,5 ha trên diện tích ngô đang ở giai đoạn 3-5 lá (Vĩnh Chân, Lang Sơn, Yên Luật). Diện tích đã phòng trừ 0,5 ha.

1.2. Dự báo: Trưởng thành tiếp tục di chuyển, đẻ trứng đặc biệt trên diện tích ngô 2 lá trở đi. Sâu non tiếp tục nở, gia tăng mật độ và gây hại. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng, đặc biệt trên diện tích ngô bãi ven sông, suối. Một số diện tích ngô nhiễm sâu vượt ngưỡng có thể bị hại hoàn toàn điểm sinh trưởng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cây trồng nếu không được phòng trừ kịp thời.

2. Biện pháp phòng trừ:

2.1. Công tác chỉ đạo:

Với đặc điểm là loài sâu có sức ăn lớn, khả năng di trú nhanh và xa, có tính chất gối lứa phát triển mạnh hơn trong điều kiện nóng ẩm. Do đó có nguy cơ phát sinh và gây hại nặng trên diện rộng nếu không được phòng trừ kịp thời. Trước tình hình đó, trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn:

­+ Chỉ đạo tổ khuyến nông xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn phòng trừ sâu keo mùa thu của trạm Trồng trọt và BVTV huyện.

+ Viết tin bài tuyên truyền về phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô, tăng cường thời lượng phát tin bài nhiều lần trong ngày để người dân biết và thực hiện.

2.2. Biện pháp phòng trừ:

- Áp dụng biện pháp Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó chú trọng thực hiện các biện pháp canh tác, thủ công để phòng ngừa sớm: Dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng để hạn chế nơi ẩn nấp của trưởng thành; làm đất kỹ để diệt nhộng trong đất. Ngắt tiêu diệt ổ trứng, bắt giết trường thành, sâu non khi cây ngô còn nhỏ chưa xoáy nõn.

- Ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả chua ngọt bắt diệt trưởng thành; sử dụng các giống ngô chuyển gen (DK 9955S, DK 6919S,...).

-  Khi mật độ sâu non từ 4 con/m2 trở lên, có xu thế gia tăng thì cần áp dụng biện pháp hoá học. Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng để phòng trừ. Tạm thời sử dụng một số hoạt chất và thuốc để trừ Sâu keo mùa thu như: Hoạt chất Methylamine Avermectin (Hagold 75WG, ...); Tetraniliprole (Vayego 200SC, ...); Emamectin benzoate (Emaben 2.0 EC, Emagold 160SC, Dylan 10EC, Tasieu 3.6EC,...); Indoxacarb (Clever 300WG, 150SC; Millerusa 400SC,..); Lufenuron (Match 050EC, Lufenron 050EC,...);...

Lưu ý: Phun khi sâu tuổi 1-2, phun ướt hai mặt lá và nõn ngô, phun vào buổi chiều tối. Nếu sâu tuổi lớn thì có thể hỗn hợp 2 loại thuốc có hoạt chất nêu trên (Indoxacarb + Emamectin benzoate). Sau khi phun cần sới đất, vun gốc kết hợp bón phân để ngô nhanh phục hồi. Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì đúng nơi quy định của địa phương.

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hạ Hòa thông báo và kính đề nghị UBND các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo./.



Nơi nhận:

- TT huyện ủy, UBND huyện (b/c);

- Chi cục TT&BVTV Phú thọ (b/c);

- Ban chỉ đạo SX NN (các thành viên);

- VP huyện ủy, VP UBND huyện;

- Phòng NN & PTNT, Đài TT;

- Trạm: KN, CN& TY;

- Hội ND, Hội PN, Hội CCB, Đoàn TN;

- 20 xã, Thị trấn;

- L­ưu.

TRẠM TRƯỞNG

            

       

Đỗ Thị Thùy Dương