Chủ Nhật, 28/4/2024

Thông báo tình hình SVGH 7 ngày trên lúa kỳ 11.5.2022 (Số 39/2022). Yên Lập.

Tuần 19. Tháng 5/2022. Ngày 11/05/2022

CHI CỤC TT & BVTV PHÚ THỌ

TRẠM TT&BVTV YÊN LẬP

 


Số: 39/TB-TT&BVTV

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Yên Lập, ngày 11 tháng 5 năm 2022

 

THÔNG BÁO

Tình hình sinh vật gây hại (SVGH) 07 ngày trên lúa và biện pháp phòng trừ

 (Từ ngày 05/5 đến 11/5/2022 và dự báo trong 7 ngày tới)

 

Hiện nay, các trà lúa Xuân đang trong giai đoạn trỗ bông – ngậm sữa – chắc xanh. Qua kết quả điều tra tuần 19 cho thấy một số đối tượng SVGH trên lúa như: bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, rầy các loại, … tiếp tục phát sinh gây hại. Trạm Trồng trọt và BVTV thông báo kết quả tình hình SVGH, dự báo trong thời gian tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I. MỘT SỐ SVGH CHÍNH VÀ DỰ BÁO:

1. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh khô vằn phát sinh gây hại ở tất cả các trà lúa. Tỷ lệ bệnh phổ biến 4,2 – 8,4%; cao 15,6 – 21,5%. Diện tích nhiễm 207 ha (thấp hơn so với CKNT 9,8 ha); trong đó diện tích nhiễm nhẹ 181,1 ha, trung bình 25,9 ha; diện tích đã phòng trừ 25,9 ha.

* Dự báo: Trong thời gian tới bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh, lây lan và gây hại trên tất cả các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, xanh tốt, bón thừa đạm, bón phân không cân đối.

2. Rầy các loại:

* Hiện tại: Gây hại rải rác tại một số xã, thị trấn. Mật độ rầy phổ biến 80 - 120 con/m2, cao 350 - 420 con/m2.

* Dự báo: Trong kỳ tới, rầy các loại tiếp tục tích lũy và gia tăng mật độ, gây hại cục bộ trên các trà lúa mức độ hại nhẹ.

3. Các đối tượng khác: Bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn, bệnh sinh lý hại cục bộ. Sâu đục thân, bọ xít dài phát sinh rải rác.

II. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

Đề nghị UBND các xã, thị trấn quan tâm đến công tác chỉ đạo phòng trừ sinh vật gây hại lúa xuân:

- Tiếp tục đôn đốc thành viên Ban chỉ đạo sản xuất, cán bộ chuyên môn kiểm tra, nắm bắt tình hình SVGH, hướng dẫn phòng trừ kịp thời.

- Tích cực tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh ở xã, khu dân cư để bà con nông dân biết để thăm đồng, kiểm tra và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh không để lây lan trên diện rộng.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa có tỷ lệ dảnh hại trên 20% tiến hành phun phòng trừ bằng các loại thuốc trừ khô vằn, ví dụ như: Cavil 60WP, Lervil 50SC, Chevin 5SC, Nativo 750WP, Tilt super 300EC,...

- Rầy các loại: Khi phát hiện ruộng lúa trỗ đến chín sữa có mật độ rầy cám trên 1.000 con/m2 (25 con/khóm) sử dụng loại thuốc trừ rầy, ví dụ như: Comda gold 5WG, Chersieu75 WG, Nibas 50 EC, Superista 25 EC, Midan 10 WP, Hichespro 500WP,  Chess 50WG, …

Trên những diện tích nhiễm rầy hàng năm ( rầy), khi phun phòng trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn, .... nên phun kết hợp với thuốc trừ rầy để hạn chế cháy rầy vào cuối vụ.

- Các đối tượng khác: Tiếp tục theo bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn, sâu đục thân, bọ xít dài, để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Trạm Trồng trọt và BVTV trân trọng thông báo và kính đề nghị UBND các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo./.

 

Nơi nhận:

- TTHU, HĐND huyện;

- CT, PCT UBND huyện;

- Chi cục TT&BVTV Phú Thọ;

- CVP, PCVP HĐND&UBND huyện;

- Phòng NN&PTNT; Trạm Khuyến nông;

- Đài TT – TH; UBND các xã, TT;

- Lưu;

PHÓ TRẠM TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

                     

Nguyễn Thị Nam Giang