Thứ Ba, 30/4/2024

Phương án phòng, chống sinh vật gây hại (SVGH) vụ Xuân 2023 (2023). Việt Trì.

Tuần 0. Tháng 1/2023. Ngày 12/01/2023

PHƯƠNG ÁN

Phòng, chống sinh vật gây hại (SVGH) vụ Xuân 2023

 


I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH THỜI TIẾT VÀ SẢN XUẤT:

1. Thời tiết:

- Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Việt Bắc: Vụ Đông xuân 2022 - 2023, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm, mạnh hơn so với TBNN và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại trong tháng 01 và tháng 2/2023. Không khí lạnh hoạt động sớm nên nền nhiệt độ các tháng đầu vụ có khả năng thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Nền nhiệt độ trung bình tháng 01và tháng 03/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; riêng tháng 02/2023 phổ biến ở mức cao hơn khoảng 0,50C so với TBNN. Từ tháng 04 - 06/2023, nhiệt độ ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Các đợt rét đậm, rét hại tập trung trong tháng 01 - 02/2023.

- Tổng lượng mưa trong tháng 01 - 02/2023, phổ biến thấp hơn 5 - 15mm; trong tháng 03/2023, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ; tháng 04/2023, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ; trong tháng 05 - 6/2023, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN từ 10 - 40mm, có nơi cao hơn.

2. Sản xuất:

- Kế hoạch sản xuất vụ Chiêm xuân 2022 - 2023 toàn thành phố gieo cấy lúa 1.200 ha, cây ngô 80 ha, cây rau 135 ha.

+ Trà Xuân sớm (khoảng dưới 2% diện tích): Gieo cấy trên diện tích đất trũng, sử dụng giống Thái xuyên 111, giống nếp địa phương; Gieo mạ xung quanh 20/11 – 30/11/2022, cấy mạ 6 – 7 lá.

+ Xuân muộn Trà 1 (khoảng 46% diện tích): Gieo cấy trên chân đất vàn thấp, ngập lũ tiểu mãn, sử dụng các giống lúa lai: Thụy Hương 308, CT 16, Thái xuyên 111, Lai thơm 6, ...; Đối với chân đất vàn: Sử dụng giống lúa Japonica JO2, Đông A1 và giống lúa BC15 kháng đạo ôn. Thời vụ gieo mạ từ 01- 05/01/2023, cấy mạ 3,5 - 4 lá.

 + Xuân muộn Trà 2 (khoảng 52% diện tích): Gieo cấy trên đất vàn, vàn cao bằng các giống lúa lai, lúa thuần, lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn. Thời vụ gieo mạ từ 25/01 - 05/02/2023, gieo thẳng từ ngày 10 - 20/02/2023.

+ Cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày bố trí trên chân cao khó nước, đất bãi. Cây ngô sử dụng các giống như: NK4300, NK66, LVN146, …, ngô nếp, các giống ngô chuyển gen, ...  Cây lạc sử dụng các giống L14, L23, L27,.... Đậu tương sử dụng các giống DT84, ĐT51, Đ8,...

3. Tình hình sinh vật gây hại nguy hiểm:

- Bệnh Lùn sọc đen: Bệnh lây lan qua Rầy lưng trắng, năm 2022 bệnh chưa thấy bệnh xuất hiện trên cây lúa, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn khả năng phát sinh ở vụ Xuân 2023, cần phải giám sát, theo dõi lấy mẫu phân tích đánh giá để khoanh vùng chỉ đạo, không để lây lan diện rộng.

- Bệnh Vàng lụi (hay vàng lá di động): Năm 2022 xuất hiện rải rác ở một vài ruộng ở các huyện như: Lâm Thao, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, … Bệnh lây lan qua Rầy xanh đuôi đen.

- Sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô: Đây là đối tượng mới xuất hiện ở Việt Nam và Phú Thọ từ năm 2019, trưởng thành di chuyển xa và phát tán rất nhanh trên diện rộng. Đến nay, sâu keo mùa thu đã gây hại tại tất cả các vùng trồng ngô trên địa bàn tỉnh

II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SVGH CÂY TRỒNG TRONG VỤ:

Với đặc thù địa hình nhiều nơi diện tích còn manh mún, một số địa phương gieo cấy không được tập trung trong khung thời vụ. Mặt khác, tàn dư, nguồn sâu, bệnh từ vụ trước vẫn còn tồn tại trên đồng ruộng, nhất là trên những diện tích lúa mùa không trồng cây trồng vụ đông. Vì vậy, công tác theo dõi, điều tra DTDB và chỉ đạo phòng trừ cần kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vụ.

1. Trên cây lúa:

Các đối tượng dịch hại chính trong vụ: Chuột, rầy các loại, sâu đục thân, bệnh sinh lý, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, trong đó bệnh đạo ôn, chuột và rầy các loại là các đối tượng thường gây hại mạnh ở vụ xuân. Diễn biến 3 sự phát sinh và gây hại của một số đối tượng chính trong vụ dự kiến diễn biến như sau:

- Chuột: Gây hại liên tục trong vụ, gia tăng về số lượng và hại nặng vào cuối vụ do vậy cần ngăn chặn ngay từ đầu vụ bằng hình thức tổ chức diệt tập trung trong giai đoạn cây lúa đẻ nhánh rộ - làm đòng.

- Rầy các loại: Rầy xám phát triển và gây hại mạnh giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng; rầy nâu, rầy nâu nhỏ, rầy lưng trắng gây hại mạnh giai đoạn lúa trỗ - chắc xanh. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy ổ, cháy chòm. Trong vụ có 3 lứa rầy gây hại, nhưng cần phải theo dõi và xử lý ngay đối với Rầy lưng trắng và Rầy xanh đuôi đen khi xuất hiện, cụ thể:

+ Lứa 1: Rầy cám ra rộ từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 trên giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ. Lứa này mật độ thấp, không gây hại lớn chỉ tích luỹ mật độ cho lứa sau. Tuy nhiên cần kiểm tra, phát hiện kịp thời Rầy lưng trắng và Rầy xanh đuôi đen, bắt mẫu giám định nguồn rầy mang vi rus gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

+ Lứa 2: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 4, gây hại trên trà lúa 1, giai đoạn trỗ - ngậm sữa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy ổ, cháy chòm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, có thể kết hợp phòng trừ cùng thời điểm khi phun sâu đục thân lứa 2 và sâu cuốn lá nhỏ lứa 3.

+ Lứa 3: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại trên lúa muộn trà 2 giai đoạn chín sữa - chín sáp. Đây là lứa rầy hại mạnh nhất trong vụ mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy chòm vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Cần lưu ý các ổ, vùng đã bị rầy hại nặng ở vụ trước và một số giống mẫn cảm với rầy như KD 18, J02, Nếp…

 - Sâu đục thân 2 chấm: Vụ Xuân có 2 lứa gây hại chính:

+ Lứa 1: Trưởng thành ra rộ khoảng từ giữa đến cuối tháng 3, sâu non gây dảnh héo rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ rộ. Giai đoạn này do cây lúa có khả năng tự đền bù dảnh rất lớn, cần tập trung chăm sóc, không phun thuốc phòng trừ để bảo vệ thiên địch đầu vụ.

+ Lứa 2: Trưởng thành ra rộ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, sâu non gây bông bạc chủ yếu trên trà Xuân muộn (trà 2). Đây là lứa gây hại chính trong vụ, cần quan tâm để chỉ đạo phòng trừ.

 - Sâu cuốn lá nhỏ: Có 3 lứa có khả năng gây hại trong vụ:

+ Lứa 1: Trưởng thành ra rộ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, sâu non gây hại rải rác. Mức độ hại nhẹ, không cần phòng trừ.

 + Lứa 2: Trưởng thành ra rộ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, sâu non gây hại giai đoạn làm đòng trên trà 1, mức độ gây hại nhẹ đến trung bình.

+ Lứa 3: Trưởng thành ra rộ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, sâu non gây hại giai đoạn lúa làm đòng. Có thể phải phòng trừ trên những ruộng xanh tốt, rậm rạp, bón phân không cân đối, bón thừa đạm.

- Bệnh đạo ôn: Đây là bệnh nguy hiểm đối với lúa xuân, đặc biệt là đối với đạo ôn cổ bông. Bệnh phát sinh gây hại trên các trà lúa từ cuối tháng 2 trở 4 đi, bệnh lây lan nhanh từ giai đoạn lúa đẻ rộ đến trỗ bông. Mức độ gây hại của bệnh phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, trong điều kiện thời tiết se lạnh, trời âm u, độ ẩm không khí cao, thiếu nắng bệnh phát sinh và lây lan rất nhanh, nhất là trên những ruộng lúa bón phân không cân đối, bón thừa đạm, giống lúa có bản lá to và mềm. Các giống cần lưu ý: Nếp 97, nếp địa phương, J01, J02, Thiên ưu 8, ... Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại tương đương vụ chiên xuân năm 2022.

 - Bệnh khô vằn: Phát sinh và gây hại trên diện rộng ở các trà lúa ở giai đoạn đứng cái, làm đòng - chắc xanh từ cuối tháng 3 trở đi đến cuối vụ. Cần theo dõi, hướng dẫn phòng trừ, lưu ý trên ruộng cấy dày, bón thừa đạm, bón phân không cân đối.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh và gây hại trên tất cả các trà lúa khi lúa ở giai đoạn đòng già trở đi, bệnh phát sinh, phát triển mạnh sau những trận mưa rào kèm theo dông, lốc. Cần lưu ý trên các giống lúa có bản lá to, màu xanh đậm, ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn và bón không cân đối, những ruộng và khu đồng thường xuyên bị bệnh ở những vụ trước.

- Ngoài ra: Ốc bươu vàng gây hại giai đoạn lúa mới cấy, bệnh sinh lý hại trên ruộng mới cấy gặp rét, ruộng cao hạn thiếu nước, ruồi đục nõn, bọ xít dài hại trên những ruộng lúa nếp, lúa chất lượng cao và trỗ trước so với đại trà.

 2. Trên cây ngô xuân:

Sâu keo mùa thu gây hại mạnh ngay ở thời kỳ cây con mới gieo trở đi. Sâu xám, nhậy (Sùng đất) gây hại giai đoạn cây con; sâu ăn lá, sâu đục thân, rệp cờ, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá lớn,... gây hại giai đoạn phát triển thân lá - chín, mức độ hại nhẹ đến trung bình. Bệnh lùn sọc đen phương nam có thể xuất hiện gây hại cục bộ; chuột gây hại mạnh ở giai đoạn trỗ cờ, phun râu - chín sáp, cần lưu ý trên những diện tích ngô ven sông, ven đê, ….

3. Trên cây rau:

Các đối tượng cần lưu ý: Sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, rệp, sâu đục quả, bọ nhảy, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn, bệnh đốm vòng, ... gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng; chuột gây hại mạnh ở giai đoạn phát triển thân lá - thu hoạch.

III. CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 8114/CT-BNN-BVTV, ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu. Kế hoạch số 982/KH-UBND ngày 23/4/2021 về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Việt Trì.

- Đối với bệnh Lùn sọc đen và bệnh Vàng lụi chỉ đạo ngăn ngừa ngay từ đầu vụ bằng các biện pháp: Tiến hành cày ải, vệ sinh đồng ruộng, cày vùi lúa chét và cỏ dại để cắt đứt nguồn thức ăn và diệt rầy lưu trú qua đông. Đối với mạ, cần xử lý hạt giống trước khi gieo; che phủ nilon cho mạ để chống rét đồng thời ngăn ngừa rầy xâm nhập gây hại; Khi bỏ nilon luyện mạ trước khi cấy (3 - 5 ngày) tiến hành kiểm tra phun thuốc phòng trừ rầy cho mạ (sử dụng thuốc nội hấp), khi phát hiện trên mạ, lúa, ngô có triệu chứng bệnh thì tiến hành phun thuốc trừ rầy sau đó mới tiêu huỷ; tiến hành lấy mẫu cây có triệu chứng bệnh, bắt rầy phân tích để xử lý kịp thời nếu có nguồn bệnh

- Đối với sâu keo mùa thu: Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như biện pháp canh tác, thủ công như làm đất kỹ, làm cỏ vệ sinh đồng ruộng, ngắt ổ trứng; biện pháp sinh học như bảo tồn thiên địch, sử dụng bẫy bả chua ngọt, giống chuyển gen; biện pháp hóa học khi mật độ sâu 4 con/m2 trở lên. Tập trung phòng trừ đồng loạt, triệt để ngay từ lứa đầu tiên khi cây ngô mới mọc.

- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng: Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân bố trí cơ cấu giống, thời vụ, cây trồng, theo đúng lịch hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; coi trọng các biện pháp canh tác (Mở rộng diện tích áp dụng SRI đảm bảo từ 4 - 5 nguyên tắc; diện tích sản xuất an toàn theo GAP) kết hợp biện pháp thủ công (ngắt ổ trứng sâu, bắt sâu non, bắt ốc bươu vàng,...), ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc và thuốc đặc hiệu có độ độc thấp để phòng trừ. Sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc “4 đúng”, chỉ phun khi trên ruộng có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh gây hại đến ngưỡng phòng trừ, đảm bảo an toàn cho sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cho cộng đồng.

- Thực hiện tốt việc điều tra, bám sát đồng ruộng, dự tính, dự báo sớm chính xác về thời gian phát sinh, quy mô và mức độ gây hại của từng đối tượng sâu, bệnh hại chính trong vụ cho từng đối tượng cây trồng, nhất là cao điểm sâu bệnh hại lúa trong tháng 4, tháng 5. Chủ động ra thông báo, tham mưu đề xuất về chủ trương, các biện pháp phòng trừ kịp thời có hiệu quả, bảo vệ an toàn cho sản xuất và an ninh lương thực trên địa bàn.

- Tổ chức thực hiện tốt các đợt diệt chuột tập trung trong vụ xuân 2023.

- Tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ khuyến nông cơ sở làm công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trên địa bàn.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý tốt việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, xử lý nghiêm các vi phạm. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa, ngăn chặn kịp thời, không cho sinh vật lạ xâm nhập, phát tán, lây lan gây hại trên địa bàn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Trạm Trồng trọt và BVTV rà soát, xây dựng các điểm điều tra dự tính dự báo sinh vật gây hại. Thực hiện đầy đủ các kỳ điều tra dự tính dự báo, điều tra thống kê diện tích sâu bệnh đảm bảo chính xác, kịp thời. Điều tra bổ sung trước và trong cao điểm xác định các đối tượng, qui mô, mức độ gây hại. Ra các thông báo tình hình sinh vật gây hại hàng tháng, hướng dẫn biện pháp phòng trừ cho từng đối tượng gây hại. Tham mưu UBND thành phố trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ trên địa bàn đảm bảo an toàn và hiệu quả.

- UBND các phường, xã chỉ đạo tổ khuyến nông, BVTV cơ sở phải chủ động nắm tình hình sinh vật gây hại trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, căn cứ vào kết quả kiểm tra và thông báo tình hình sinh vật gây hại của Trạm Trồng trọt và BVTV thành phố, tham mưu cho UBND phường, xã để có biện pháp phòng trừ cụ thể đảm bảo an toàn và hiệu quả. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền về công tác BVTV. Huy động mọi lực lượng tham gia chiến dịch phòng trừ sinh vật gây hại và chuột hại ở cơ sở. Phối hợp quản lý tốt thị trường kinh doanh thuốc BVTV trong địa bàn để chủ động phục vụ đúng, đủ lượng thuốc BVTV trong các cao điểm.

- Các hộ dân phải thường xuyên thăm đồng phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời, hoặc kiểm tra theo thông báo của tổ khuyến nông, BVTV và thực hiện các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại theo thông báo của chính quyền địa phương và hướng dẫn của ngành BVTV.

V. ĐỀ NGHỊ:                                          

Để triển khai tốt công tác BVTV vụ xuân 2023, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, Trạm Trồng trọt và BVTV thành phố Việt Trì đề nghị UBND các phường, xã, các ban ngành đoàn thể quan tâm phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền công tác bảo vệ thực vật, nhất là trong các đợt cao điểm phòng trừ sinh vật gây hại để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh./.

Thông báo sâu bệnh khác