Để hạn chế ốc bươu vàng, chúng tôi đã huy động nhân lực bắt bằng tay, nhưng hiệu quả không tương xứng với công sức bỏ ra. Nghe nói thu gom trứng sẽ tốt hơn là bắt ốc bằng tay có đúng không ? Nếu đúng xin chỉ dẫn cách làm sao cho thu được kết quả cao nhất?
Muốn hạn chế tác hại của ốc bươu vàng (OBV), cần áp dụng nhiều biện pháp một cách hợp lý trong quy trình quản lý tổng hợp OBV chứ không thể chỉ áp dụng một biện pháp bắt ốc bằng tay hoặc thu gom trứng ốc được. Tuy nhiên trong các biện pháp thì việc thu gom trứng ốc là một biện pháp diệt ốc một cách chủ động và cho hiệu quả cao hơn là đi nhặt từng con ốc một.
OBV đẻ nhiều và rất "mắn đẻ", một con ốc cái mỗi lần có thể đẻ được đến 500 trứng. Trứng đẻ thành từng ổ khoảng 25 quả trở lên, sau khi đẻ khoảng 1 - 2 tuần trứng nở thành ốc con, và sau khi nở khoảng 70 - 100 ngày thì những con ốc con này lại có thể đẻ trứng, ốc có thể sống được khoảng 2 - 3 năm.
Ốc con có vỏ rất mềm, rớt xuống nước và trôi nổi lập lờ trên mặt nước, khi ốc con đã rớt xuống nước thì việc thu gom chúng sẽ hết sức khó khăn và tốn nhiều công sức.
Điều đặc biệt là dù sinh sống ở dưới nước nhưng khi đẻ bao giờ ốc mẹ cũng phải bò lên khỏi mặt nước bám vào các giá thể như thân cây lúa, cây có, cây cọc, bờ tường... cách mặt nước vài tấc để đẻ trứng. Trứng có mầu hồng đậm khi mới đẻ và hồng nhạt lúc sắp nở. Qua các chiến dịch ra quân đi thu gom ốc và trứng ốc cho thấy việc đi tìm và thu gom một ổ trứng dễ hơn rất nhiều so với việc đi tìm và thu gom vài trăm con ốc con đã rớt xuống nước và phát tán đi khắp nơi.Do vậy, muốn thu được kết quả cao trong công tác phòng trừ OBV các bạn nên áp dụng triệt để biện pháp này.
Để thu được nhiều ổ trứng thì ngoài việc đi tìm và thu gom những ổ trứng được ốc đẻ trong tự nhiên ở ven các ao, hồ, kênh, rạch, bờ ruộng lúa, trên cây lúa, cây cỏ trong ruộng... các bạn có thể dùng cây, que, cọng dừa, thân cây khoai mì, thân cây bắp... cắm ở những chỗ có nhiều ốc tập trung như trong các mương vườn, quanh các ao, hồ, đìa, rãnh, những chỗ trũng trong ruộng... để làm giá thể "dụ" cho ốc mẹ leo lên đẻ trứng, rồi định kỳ vài ngày một lần đi thu gom tiêu hủy.