Thứ Ba, 23/4/2024
Kết quả bước đầu triển khai SRI và bài học kinh nghiệm tại Phú Thọ
Gửi bài In bài

Tại Phú Thọ được sự đồng ý tiếp nhận dự án của UBND tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai dự án gồm 2 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 9/2007 và sẽ kết thúc vào tháng 9/2010.

Năm 2008, là năm đầu Chi cục BVTV Phú Thọ triển khai dự án ở 2 xã: Cao Xá và Kinh Kệ(Lâm Thao). Để đảm bảo bước đi vững chắc, dự án đã tập huấn, đào tạo 10 giảng viên nông dân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Chi cục nắm vững kỹ thuật SRI. Mở 2 lớp FFS huấn luyện đào tạo cho 60 học viên sau đó tổ chức thành 10 nhóm nông dân xây dựng mô hình, nghiên cứu ứng dụng SRI trên đồng ruộng tại các thôn, đội.

     Triển khai 13 thí nghiệm nghiên cứu đồng ruộng gắn với các mô hình trình diễn trên diện tích gần 3 ha với 67 hộ nông dân tham gia, tiến hành theo dõi, lựa chọn các công thức tối ưu áp dụng phù hợp điều kiện canh tác ở từng địa phương.

     Thông qua kết quả tham quan mô hình trình diễn SRI, xã Vĩnh lại (Lâm Thao) đã áp dụng mở rộng trên 18,3 ha, với 257  hộ thực hiện.

    Vụ chiêm xuân 2009,dự án tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình SRI tại 2 xã Cao Xá và Kinh Kệ( Lâm Thao) lên 112,6 ha với 1814 hộ tham gia.

    Đối với huyện Tân Sơn là huyện mới tái lập, còn rất nhiều khó khăn, là một trong 61 huyện nghèo nhất cả nước, nơi sinh sống phần đông là người dân tộc Mường của tỉnh, trình độ dân chí cũng như phong tục tập quán canh tác còn khá lạc hậu. Năng suất lúa còn rất thấp, đời sống của đa số người dân ở các xã thường thiếu đói lúc giáp hạt. Vấn đề giải quyết đủ lương thực ăn cho đồng bào và đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề cấp thiết ở huyện miền núi này. Có như vậy, công cuộc xây dựng, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội ngày càng phát triển để sớm đưa Tân Sơn thoát nghèo, góp phần giảm sức ép vào rừng, bảo vệ Vườn quốc gia Xuân Sơn. Xuất phát từ yêu cầu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành như: Khuyến nông, Thú y, Bảo vệ thực vật, Giống cây trồng...giúp huyện Tân Sơn tăng cường tuyên truyền tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất, nhằm đẩy nhanh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

    Trong vụ chiêm xuân này, Chi cục BVTV lựa chọn 2 xã: Tân Phú và Mỹ Thuận để triển khai dự án. Tuy mới là vụ đầu tiên triển khai tại hai xã này, nhưng với kinh nghiệm và niềm tin của các giảng viên và cán bộ kỹ thuật qua 2 vụ thực hiện ở huyện Lâm Thao đã đẩy mạnh tuyên truyền và áp dụng nên ở 2 xã này đã có tới 86 hộ tham gia mô hình với diện tích lên tới xấp xỉ 6 ha. Những buổi tập huấn kỹ thuật bà con đi rất đông đủ, đặc biệt các học viên 2 lớp FFS ( 60 người) đã hăng hái tham gia học tập, thực hành đồng ruộng, chắc chắn các học viên này sẽ là những tuyên truyền viên để " Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI" được ứng dụng rộng rãi tại các xã khác của huyện. Đến nay, chưa đến ngày thu hoạch nhưng xem xét trên đồng ruộng, ai cũng có nhận xét rằng cây lúa trên ruộng áp dụng SRI sinh trưởng phát triển tốt hơn hẳn so với ruộng tập quán kể cả chiều cao cây, màu sắc lá, số dảnh hữu hiệu, chiều dài bông...Nhất là vấn đề sâu bệnh, ở ruộng áp dụng SRI hầu như không đáng kể, trong khi đó ruộng làm theo tập quán liền kề phải phun thuốc nhiều lần để trừ đạo ôn, rầy nâu, khô vằn. Chẳng thế mà, ông Hồ Văn Thích trưởng khu 10 xã Tân Phú phấn khởi nói: " SRI không khó nhưng lợi ích rõ ràng. Chắc chắn vụ mùa tới bà con nông dân ở khu tôi sẽ áp dụng 100% làm theo SRI". Ngoài ra, vụ chiêm xuân này, Chi cục BVTV còn hỗ trợ các huyện khác xây dựng mô hình SRI như: Huyện Hạ Hoà 12 ha có 104 hộ tham gia; huyện Cẩm Khê 3 ha có 114 hộ tham gia; ngoài hai xã Cao Xá và Kinh Kệ ra, huyện Lâm Thao còn chỉ đạo các xã khác làm mô hình SRI được 5 ha. Như vậy, vụ chiêm xuân này toàn tỉnh đã có 133,46 ha lúa  chiêm xuân gieo cấy áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) với 2190 hộ tham gia. Song song với việc triển khai mô hình diện rộng, dự án còn tiếp tục triển khai 18 thí nghiệm nghiên cứu nhỏ để lựa chọn, áp dụng trên diện rộng vào các vụ sau gồm: 5 thí nghiệm về mật độ, 3 thí nghiệm về tuổi mạ, 3 thí nghiệm phân bón thế hệ mới CK2000 và phân khoáng, 3 thí nghiệm về liều lượng Đạm, Kali và 4 thí nghiệm so sánh giống: So sánh giữa các giống TNNưu 16, kim ưu18, Phú ưu 2, Dưu 130 với các giống KD 18, lai số 7, Nhị ưu 838.

Qua ba vụ áp dụng SRI tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh chúng tôi đánh giá như sa:

 Về mặt kinh tế: Bà con nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất so với tập quán mà năng suất vẫn tăng.Trong đó, tính cho một ha, lượng giống giảm từ 66-80% (tương đương giảm 22kg/havới lúa lai; 44kg/ha với lúa thuần), phân đạm giảm 33% (tương đương 83kg/ha), NPK giảm 25% (tương đương 139kg/ha), số lần tưới nước giảm 2-3 lần/vụ và giảm 20-30 chi phí nước tưới, số lần phun thuốc giảm 1,6 lần/vụ. Năng suất của ruộng ứng dụng tăng 0,6-5,13 tạ/ha. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp luôn có chiều hướng tăng thì việc tiết kiệm chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới thực sự có ý nghĩa với bà con nông dân.

    Về môi trường xã hội:

- Bước đầu xác lập 1 số thông số kỹ thuật canh tác SRI và làm thay đổi tập quán canh tác của người nông dân như cấy mạ non, cấy 1 dảnh, cấy thưa, rút cạn nước, làm cỏ sục bùn sớm, bón phân sớm và bón vùi sâu.

- Áp dụng SRI sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập; cải thiện môi trường nông nghiệp giảm phân hóa học, giảm thuốc BVTV, nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Tăng cường mối quan hệ cộng đồng, tạo cơ hội cho phụ nữ thể hiện vai trò quyết định trong sản xuất (hơn 50% phụ nữ tham gia các hoạt động mô hình, hình thành các nhóm nghiên cứu, nhóm nông dân nòng cốt).

- Thay đổi quan điểm chỉ đạo sản xuất của cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo địa phương.

  Một số bài học kinh nghiệm:

- Đào tạo đảm bảo đủ đội ngũ giảng viên nắm chắc kỹ thuật, năng động vận dụng thực tế. Các nơi mới triển khai dự án nên chú trọng đào tạo những nông dân nòng cốt trở thành cán bộ kỹ thuật về SRI qua hình thức lớp học đồng ruộng (FFS) và xây dựng các mô hình trình diễn để thuyết phục lãnh đạo và người dân tin vào lợi ích và hiệu quả SRI.  

- Mở rộng tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, thăm quan hội thảo cho các thành phần (Lưu ý các cấp lãnh đạo địa phương và các đoàn thể).

- Cần “mềm hoá” các vấn đề về kỹ thuật, cải tiến dần, có thể áp dụng từng phần hoặc toàn phần SRI tuỳ điều kiện cụ thể của từng địa phương.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ các nghiên cứu đồng ruộng và mô hình ứng dụng SRI.

     Có thể nói, SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới và rất thân thiện với môi trường. Để người nông dân mạnh dạn áp dụng và nhân rộng phải làm thay đổi nhận thức của họ, những người đã quá quen thuộc với phương pháp canh tác truyền thống. Đồng thời cũng cần thay đổi tư duy và cách chỉ đạo của các nhà kỹ thuật và quản lý; rất cần sự quan tâm và vào cuộc của các cấp các nghành có liên quan. Trong thời gian tới, chắc chắn SRI ở Phú Thọ sẽ có những bước tiến dài hướng tới một nền sản suất theo hướng bến vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn