Chủ Nhật, 24/11/2024
Người trưởng thôn say mê với kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến
Gửi bài In bài

    '' Đã nhiều năm rồi hòm thóc nhà tôi chưa bao giờ đầy, vậy mà vụ chiêm xuân này do áp dụng SRI mà hòm thóc lần đầu tiên đã được đầy; vợ chồng tôi phấn khởi lắm"  Đó là câu nói của anh Hồ Văn Thích, trưởng khu 10 xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ với mọi người trong buổi tham quan, hội thảo đầu bờ mô hình áp dụng Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) vụ chiêm xuân 2009 trên cánh đồng của xã.

      Tâm sự với chúng tôi, anh Thích  mộc mạc: Thật ra, lúc đầu khi được các cán bộ kỹ thuật của Chi cục BVTV Phú Thọ giới thiệu, hướng dẫn về SRI nhưng thực sự anh vẫn chưa tin là SRI sẽ thành công và mang lại hiệu quả tại đồng đất thôn anh. Bởi, tập quán người dân quê anh bao đời nay trong canh tác lúa nước  (Kể cả các giống lúa thuần, lúa lai) người dân thường gieo mạ dược và nhổ đem cấy khi cây mạ tương đối già có từ 3 - 4 lá thậm chí 5- 6 lá và cấy ít nhất cũng từ 2 - 3 dảnh/ khóm với mật độ cấy ít cũng phải từ 40 - 45 khóm/ m2. Ấy vậy mà   các anh chị kỹ thuật lại hướng dẫn làm theo SRI chỉ cấy có 1 dảnh khi mạ còn rất non từ 2 - 2,5 lá và lại cấy rất thưa 30 dảnh/m2­­­­­ thậm chí có thể chỉ cấy 25 dảnh/m2­­­­­  thì làm sao mà cho năng suất cao được. Mà lại còn làm sánh thoát nước, làm cỏ sục bùn, bón phân sớm, tháo cạn nước xen kẽ đến nỗi đất nứt nẻ chân chim...những điều ấy với anh nghe mà là lạ. Vì theo anh và mọi người chỉ cần bừa đất kỹ, cấy xong phun mỗi sào vài nghìn thuốc trừ cỏ, hễ thấy nhà nào đó bón phân cho lúa thì nhà mình cũng đi bón, chứ đâu phải xem xét bón theo bảng so màu lá lúa...

       Hiểu được những băn khoăn không chỉ riêng của anh Thích mà là suy nghĩ chung của bất kỳ người dân nào khi mới tiếp cận kỹ thuật SRI. Do đó, nhiệm vụ của những người cán bộ kỹ thuật như chúng tôi phải làm sao nói để cho dân nghe, làm để dân tin. Có như vậy, mới chuyển tải được tiến bộ kỹ thuật mới SRI vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lúa ở một huyện miền núi mới được thành lập đúng như cái tên của nó: Huyện Tân Sơn. Là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước gồm 17 xã mới được tách ra từ huyện Thanh Sơn, nơi sinh sống phần đông là người dân tộc Mường, còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và trình dộ dân trí cũng như phong tục tập quán canh tác còn khá lạc hậu. Sản xuất nông nghiệp phần lớn dựa vào nước trời, năng suất lúa còn rất thấp, đời sống của đa số người dân thường thiếu đói lúc giáp hạt. Vì vậy, khi triển khai SRI vào huyện Tân Sơn, dù được lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã nhiệt tình đón nhận nhưng Chi cục BVTV rất thận trọng từng bước đi. Đó là, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật về SRI, xây dựng kế hoạch triển khai có ngươì dân tham gia còn tổ chức lớp đào tạo nông dân nòng cốt (Lớp FFS) gồm 30 học viên tham gia, lựa chọn những người nhiệt tình từ các khu trong xã học gắn với thực hành tại ruộng nhà mình để người khác học và làm theo. Lớp học của các anh trải qua 14 tuần học, thực hành đồng ruộng từ khi làm đất, gieo mạ, làm cỏ bón phân đến lúc thu hoạch. Với bản tính ưa tìm hiểu, ham học hỏi anh đã mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật SRI đã được học trên toàn bộ diện tích 1 sào 5 thước của gia đình mình. Lúc đầu anh cảm thấy rất phức tạp và khó làm, nhưng qua thực tế dưới sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật và tự mình ghi chép lại tất cả thông tin, thì anh thấy thực sự kỹ thuật SRI cũng dễ. Kết quả cho thấy vụ chiêm xuân năng suất lúa của gia đình anh đạt 2,7 tạ/sào, tăng 90 kg/sào so với năng suất trung bình của những vụ trước đây khi làm theo tập quán cũ (chỉ đạt 1,8 tạ/sào), điều này là chưa từng có mà anh đã hồ hởi tâm sự với mọi người. Ngoài ra, theo anh áp dụng kỹ thuật này còn giảm lượng giống, lượng nước tưới, thuốc BVTV, công lao động và bón phân cân đối, hợp lý hơn. Sau khi trừ tất cả các chi phí và so sánh anh thấy ruộng áp dụng SRI lãi hơn các ruộng chưa áp dụng 180.000 đồng/sào.

      Sau những thành công bước đầu vụ chiêm xuân 2009, anh Thích đã thực sự tin tưởng vào hiệu quả và lợi ích mà SRI mang lại cho gia đình và quê hương mình. Sang vụ mùa, trong các buổi họp thôn anh đã trao đổi, phổ biến và tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong khu tham gia áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến. Kết quả là đã có 60 hộ tham gia mô hình SRI với diện tích 6 ha, trước đó vụ chiêm xuân mới có 10 hộ tham gia trên diện tích 1,5 ha. Nhưng năng suất vụ này chỉ đạt 2,2-2,5 ta/ha thấp hơn vụ chiêm, nguyên nhân là do thời tiết khô và hạn hán. Đặc biệt ở khu 10 này còn chưa có hệ thống mương tưới mà chủ yếu sử dụng nước tự chảy. Đúng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa cần nước nhất để trỗ bông thì trời lại hạn hán. Từ hiểu biết và nắm chắc kiến thức sinh thái đồng ruộng mà giảng viên SRI trạm trưởng Đinh Thanh Bình hướng dẫn mà anh và các học viên lớp FFS gọi là thầy Bình. Nếu giai đoạn này mà khô hạn quá cây lúa sẽ bị nghẹn đòng không trỗ được ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Anh bàn với vợ mua cái máy bơm nước 2,2 triệu đồng về bơm nước cho lúa. Không những ruộng nhà anh lúa xanh mơn mởn trổ bông đều, anh còn bơm giúp ruộng cho các hộ khác. Vì thế, mặc dù hạn và thiếu nước nhưng cánh đồng khu 10 thôn anh vẫn cho vụ mùa bội thu. Gặp chúng tôi anh phấn khởi: “Vụ mùa này nếu như không hiểu biết và áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến thì sẽ thất bại...”. Cho đến nay chẳng những anh mà nhiều người ở xã Tân Phú này đã thực sự tin tưởng vào kỹ thuật SRI và mong rằng tiếp tục nhận được sự giúp đỡ để mô hình SRI sẽ được nhân rộng dần làm thay đổi tập quán canh tác cũ, đẩy năng suất lúa ở đây lên bằng những huyện khác, góp phần cải thiện nâng cao đời sống người dân quê anh. Chia tay anh, lòng chúng tôi cũng thấy lâng lâng  và nhớ lại những ngày đầu vất vả nhưng thật vui cùng các học viên làm các thí nghiệm đồng ruộng. Nơi ruộng bậc thang xen cùng ruộng dộc, đất chua lại không chủ động nước thế mà cùng với sự nhiệt tình của những người như anh Thích đã góp phần vào sự thành công của mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại Tân Sơn.

                                                                    KS. Lương Trung Sơn - Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn