Nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong canh tác sản xuất lúa, tăng năng suất, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Năm 2008, được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững SRD, Chi cục BVTV Phú Thọ đã triển khai xây dựng mô hình áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại 10 khu của 2 xã Cao Xá và Kinh Kệ của huyện Lâm Thao. Diện tích mô hình gần 3 ha, với 67 hộ tham gia.
Trên mô hình đã tiến hành các công thức thí nghiệm như: mật độ cấy/m2, liều lượng bón phân đạm, kali,... và so sánh đối chứng với ruộng canh tác theo tập quán của nông dân. Kết quả bước đầu cho thấy, áp dụng các biện pháp kỹ thuật của SRI đã giảm lượng giống, lượng nước tưới, lượng đạm bón thừa và thuốc bảo vệ thực vật từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn so với tập quán nông dân.
Về giống: Tại mô hình cấy 2 giống KD18 và BTST. Lượng giống làm theo SRI là 11 kg/ha, giảm 66 - 80% so với tập quán; trong đó KD18 giảm là 44,5 kg/ha, BTST giảm là 22 kg/ha.
Về phân bón: Bón phân theo SRI thì lượng đạm giảm so tập quán nông dân là 33% (tương đương 84 kg/ha), NPK giảm 25% (tương đương 139 kg/ha), tăng lượng kali: 50% (tương đương 55,5 kg /ha).
Về nước tưới: Lượng nước tưới theo SRI giảm 2 - 3 lần tưới/vụ, tương đương giảm 20 - 30% chi phí bơm nước. Bên cạnh đó, việc điều tiết nước theo giai đoạn phát triển của cây lúa sẽ làm giảm độ chua, giảm chất độc có trong đất, kích thích bộ rễ phát triển, tăng khả năng đẻ nhánh, tạo điều kiện cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.
Về thuốc BVTV: Làm theo SRI ruộng lúa thông thoáng hơn, cứng cây hơn, sâu bệnh ít hơn do đó số lần phun thuốc BVTV giảm 1,6 lần so với làm theo tập quán.
Về hiệu quả kinh tế: Làm theo SRI chi phí giảm so với tập quán từ 377.000 - 1.759.000 đồng/ha. Lãi tăng hơn so với tập quán từ 2.414.000 - 4.971.000 đồng/ha. Giá thành sản phẩm giảm từ 317 - 477 đồng/kg thóc.
Để đạt được năng suất cũng như hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất thâm canh lúa, kỹ thuật đòi hỏi phải cấy mạ non từ 1,8 - 2,5 lá, cấy thưa 35 - 40 khóm/m2, cấy 1 dảnh/khóm, cấy nông tay. Thực hiện quản lý điều tiết nước như rút nước giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng, giữ nước nông 3 - 5 cm giai đoạn sinh trưởng sinh thực. Cày bừa, làm đất kỹ, làm cỏ sớm khi cỏ chưa mọc kết hợp sục bùn phá váng. Bón phân đầy đủ, cân đối và hợp lý. Thường xuyên kiểm tra thăm đồng phát hiện sớm để chủ động phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh đến ngưỡng.
Là năm đầu tiên triển khai nên còn gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của các ngành, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và đặc biệt là các hộ nông dân nhiệt tình tham gia, bước đầu mô hình đã đạt được kết quả tốt. Kế hoạch năm 2009, Chi cục sẽ tiếp tục triển khai SRI trên diện rộng hơn và áp dụng trên các chân đất khác nhau, các giống khác nhau. Trên cơ sở đó để khuyến cáo mở rộng diện tích áp dụng trong sản xuất đại trà, nhằm giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, nhất là trong điều kiện giá phân bón, vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao.