Thứ Năm, 31/10/2024
Phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa xuân
Gửi bài In bài

 Do nông dân chủ động đầu tư nuôi ốc, coi đó như là một nghề kinh doanh, đặc biệt là do tác động của các trận lũ lớn năm 1993, 1994, 1995, OBV đã tràn ra đồng ruộng, phát triển rất nhanh tại nhiều vùng trồng lúa và thực sự trở thành một loại dịch hại nghiêm trọng. Khi phát triển ở mật độ cao, nó ăn hại và tàn phá các ruộng lúa non giai đoạn mới cấy đến đẻ nhánh, đặc biệt là lúa gieo sạ. OBV là loài ăn thực vật rất phàm, chúng ăn rất khoẻ, liên tục cả ngày đêm. Trên ruộng lúa, ốc thường ăn mất từng đám lúa, tập trung ở các ruộng trũng, các ruộng lúa mới cấy, các ruộng lúa gieo thẳng. Giai đoạn dễ bị hại nhất là hai tuần lễ đầu sau khi cấy hoặc 4 tuần lễ đầu đối với lúa gieo thẳng.

Ở các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Sơn, Đoan Hùng, T.X Phú Thọ và T.P Việt Trì, diện tích nhiễm OBV với mật độ > 6 con/m2 (nhiễm nặng) có thể lên tới hàng trăm ha mỗi vụ, nhiều diện tích có mật độ hàng trăm con/m2, tỷ lệ dảnh hại, khóm hại trung bình từ 5 – 10%, cao 20 – 30%, cục bộ trên 40%, nhiều ruộng bị hại mất trắng hoàn toàn chỉ một ngày đêm sau khi cấy, gây thiệt hại về giống, tốn công cấy dặm lại, ruộng lúa sinh trưởng không đồng đều khó khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Ốc bươu vàng là loài nhuyễn thể vỏ cứng, di chuyển bằng miệng, chỉ sống trong nước ngọt hoặc gần kề nơi có nguồn nước ngọt. Tuy vậy, chúng vẫn sống được trên cạn. Ốc có vỏ mầu nâu, thịt mầu trắng kem hoặc mầu vàng hồng đến mầu vàng da cam, mọng nước, ăn được. OBV có hai giống đực và cái riêng biệt. Nắp OBV cái thì cong hẳn vào trong vỏ còn nắp con đực thì dính vào bên ngoài vỏ. OBV giao cấu vào bất cứ thời điểm nào trong ngày và bất cứ mùa nào tại các vùng có nước ngập thường xuyên. Thời gian giao cấu của OBV kéo dài từ 3- 4 giờ. Trứng đẻ ra vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Các ổ trứng OBV có hình trái xoan, mầu hồng nhạt, mỗi ổ chứa 25 - 500 quả trứng. Trứng được đẻ cách mặt nước 30 - 50 cm ở trên các gốc cây, các cọc ven ao, ven ruộng, trên cây trồng hoặc cỏ dại dọc theo các tuyến đê có cây hay cỏ mọc trong nước. Sau khi đẻ 7-14 ngày thì trứng nở. Tỷ lệ trứng nở thường đạt 80%. Một ổ trứng nở trong 5 ngày thì xong. OBV mới nở thường có vỏ mềm, rơi từ ổ vỏ trứng xuống mặt nước, không chìm hẳn mà nổi lập lờ trong nước. Sau 2 ngày vỏ cứng lại và có kích thước 2-5 mm, lúc này ốc bắt đầu di chuyển trong nước, nhất là theo dòng nước chảy để phân tán vào các ruộng lúa. Ốc non ăn rong rêu và cây lúa non mềm. Do ăn phàm nên OBV lớn rất nhanh, chỉ trong vòng 55- 65 ngày là ốc đã trưởng thành và đẻ trứng. Ốc cái có thể sống từ 3-5 năm, mỗi năm đẻ trên 4.000 trứng. OBV ưa thích nơi dâm mát. Nếu trời có nắng to, ốc lặn sâu xuống dưới nước. Khi nước cạn, ốc chui vào bùn ẩm. Nếu gặp mùa khô kéo dài thì nó chui sâu vào trong lòng đất. OBV có thể sống theo cách ngủ nghỉ được 6 tháng trong đất ruộng khô cạn. Khi ngập nước trở lại, ốc lại hoạt động bình thường chỉ sau một đêm.

*Biện pháp phòng trừ:

- Biện pháp thủ công:

+ Cày bừa kỹ làm mặt ruộng bằng phẳng, tránh có chỗ trũng nước sẽ dễ bị OBV phá hại. Thường xuyên bắt OBV và nghiền nát các ổ trứng trong ruộng kể từ khi cấy cho tới khi 3 tuần lễ sau cấy. Kịp thời và liên tục cấy lại những khóm lúa bị OBV phá hại, dự trữ mạ ở một góc ruộng trong trường hợp phải cấy lại.

+ Ở những ruộng có bờ chắc chắn và chủ động được nguồn nước: trước khi cấy lúa hoặc gieo sạ cần làm rãnh xung quanh ruộng. Nếu phát hiện ruộng bị nhiễm OBV thì tháo cạn nước để ốc dồn vào các rãnh và chỉ việc đi quanh bờ bắt ốc tiêu diệt. Khi lấy nước vào ruộng, đặt các lưới chắn hoặc cắm đăng ở nơi dẫn nước, ngăn không cho OBV theo nước chảy vào ruộng.

+ Những ruộng trũng nước có thể cắm nhiều cọc dọc theo bờ ruộng nước để dễ thu thập và diệt trừ các ổ trứng OBV. Dùng các loại bẫy lá đắng như lá đu đủ, lá sắn, lá xoan, lá chuối hoặc xơ mít đặt theo hàng trong ruộng, ấn xuống dưới nước để OBV bám vào, sau đó cứ theo bẫy mà thu bắt ốc tiêu diệt.

Các biện pháp thủ công bắt diệt ốc có ưu điểm là dễ làm, không mất tiền, không gây ô nhiễm môi trường, nhưng có nhược điểm là không tiêu diệt triệt để, cần phải tiến hành trong cả cộng đồng, tốn công, hiệu quả kinh tế thấp.

- Biện pháp hoá học:

Khi mật độ ốc cao trên 3 con/m2; hoặc ruộng lúa có trên 10% dảnh bị hại thì xử lý bằng thuốc hoá học Clodansuper 700 WP. Pha 10g thuốc/1bình 10 – 12 lít phun cho 1 sào. Khi phun thuốc nên giữ mức nước trong ruộng xăm xắp (3 – 5 cm) cho thuốc phân tán đều, sau khi phun cần giữ mức nước trên trong vòng 5 ngày để kéo dài hiệu lực diệt ốc.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn