Chủ Nhật, 24/11/2024
Kỹ thuật trồng bưởi Đoan Hùng
Gửi bài In bài
A/ BIỆN PHÁP CANH TÁC:

1. Chọn giống: Ngay từ khi trồng, chỉ chọn 2 giống đặc sản là giống bưởi Sửu (Chí Đám) và bưởi Bằng Luân với các tiêu chuẩn: Cây giống xuất vườn phải sạch sâu, bệnh, được sản xuất theo phương pháp ghép hoặc lấy trực tiếp từ các cây bưởi Sửu (Chí Đám) hoặc bưởi Bằng Luân đã được tuyển chọn và công nhận. Không nên sử dụng giống bưởi được sản xuất trong dân, không rõ nguồn gốc. Cây giống xuất vườn phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn qui định.

2. Làm đất:

Đất bằng và đất có độ dốc dưới 4 độ, thiết kế trồng theo băng, theo hàng; nên bố trí trồng nanh sấu. Đất thấp dễ bị úng cần thiết kế hệ thống mương thoát nước đảm bảo tiêu úng kịp thời. Đất đồi thường bị hạn thiết kế trồng theo đường đồng mức, có rãnh giữ nước. Làm đất, đào hố trồng phải làm sớm, phơi đất 20 - 25 ngày, sau đó bón phân lót, lấp hố thước trồng 25-30 ngày để hạn chế nguồn sâu, bệnh hại. Bón đầy đủ phân hữu cơ, vôi bột, NPK cho từng hố trồng.

3. Mật dộ trồng: Nên trồng với mật độ 280 - 330 cây/ha để đảm bảo đủ ánh sáng cho cây phát triển, ra lộc đều, hạn chế sâu bệnh.

4. Tưới nước giữ ẩm: Đối với cây mới trồng cần tưới nước đảm bảo giữ ẩm đất thường xuyên. Đối với vườn bưởi kinh doanh có thể tưới vào các tháng 11, 12 và tháng 01 hàng năm. Khi tưới cần tưới ướt đẫm từ gốc đến xung quanh vồng tán; trong suốt cả năm, cần áp dụng các biện pháp giữ ẩm như tủ đất bằng rơm rạ (nhưng cách gốc 0,3 - 0,5 mét) hoặc trồng cây cỏ có hoa để che phủ đất.

Vườn cây phải được thoát nước tốt, không ngập úng hoặc đọng nước sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và gây hại.

5. Bón phân:

Đối với vườn bưởi kinh doanh: lượng bón phân chuồng: 15 tấn/ha; Vôi bột: 300 kg/ha; Đạm Urê: 250 kg/ha; Supe lân 450 kg/ha; Kali: 300 kg/ha.

Thời gian bón: Tháng 10 - 12, bón cơ bản (sau thu hoạch) gồm 100% hữu cơ + lân + vôi bột; tháng 2, bón thúc cành xuân và đón hoa gồm 60% Urê + 40% Kali; tháng 6 - 7, bón thúc cành thu và tăng trọng quả gồm 40% Urê + 60% Kali.

Cách bón: Phân hữu cơ, lân, vôi bột: Đào rãnh quanh vòng tán, rộng 20 - 40 cm, sâu 25 - 40 cm. Trộn đều phân với đất bón vào rãnh sau đó lấp lại và tưới đẫm n­ước; Đạm và Kali  rắc quanh tán, xăm nhẹ, tư­ới đẫm nư­ớc, tránh đứt  rễ.

B/ BIỆN PHÁP SINH HỌC:

1. Chiết suất ký sinh phun trở lại vườn bưởi: Thu thập các cá thể sâu hại bị vi sinh vật ký sinh đem chiết suất và phun trở lại vườn để duy trì liên tục sự có mặt của các loài vi sinh vật ký sinh gây bệnh cho sâu, khống chế sự phát triển gia tăng mật độ và gây hại của chúng. Cứ 10 cá thể ngâm với 01 lít nước trong 24 giờ, pha thành 10 lít, phun 500 lít/ha.

2. Bón các chế phẩm sinh học vào đất hoặc phun lên cây: Dùng chế phẩm sinh học có chứa nấm đối kháng Tricoderma 3.2 x 109 bào tử/mg bón vào đất nhằm hạn chế sự phát triển, lây lan và gây hại của các loài nấm Phytophthora hại rễ. Đối với sâu hại có thể dùng các loại thuốc sinh học V- BT phun trừ sâu xanh bướm phượng.

3. Nuôi thả kiến vàng: Phát hiện những tổ kiến vàng trên các loại cây khác, dùng túi Nilon bao quanh tổ, ngắt cuống tổ và di chuyển về buộc treo trên cành bư­ởi phía giữa tán. Dùng dây buộc nối giữa các cây, cành tạo đường đi cho kiến. Cho kiến ăn thêm bằng cách treo đầu cá, ruột gà, vịt theo các sợi dây nối để đàn kiến nhanh phục hồi. Nếu cần di chuyển kiến từ vườn bên cạnh thì dùng dây buộc nối từ nơi có tổ kiến về vườn muốn chuyển đến. Sau đó buộc treo đầu cá, ruột gà từng đoạn một trên dây để nhử kiến về.

4. Trồng và để cỏ có hoa trong vườn: Dùng các loại hạt cây cỏ có hoa (cây cứt lợn hoặc họ đậu) rắc khi đất đủ ẩm. Khi cỏ mọc lên tốt cắt dần theo băng đồng thời xới gọn quanh gốc với đư­ờng kính 01 m tạo điều kiện cho các loài thiên địch có nơi trú ẩn và ăn thêm.

C/ BIỆN PHÁP CƠ GIỚI VẬT LÝ:

1. Cắt tỉa tạo tán: Thời kỳ KTCB cần cắt tỉa tạo hình, cắt bỏ những cành nhỏ, cành không đúng vị trí, cành sâu bệnh, tạo bộ khung cành cấp 1, cấp 2 vững chắc, tán cân đối. Chú ý cắt bỏ kịp thời những chồi gốc dưới mắt ghép. Thời kỳ cho quả, hàng năm cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, cành gãy, cành vượt, cành phía giữa tán, cành đã cho quả để tạo sự thông thoáng và phân bố đều ánh sáng.

2. Thường xuyên phát hiện, đào bỏ những cây bị bệnh, dùng vợt hoặc bắt giết bằng tay những loài sâu hại có kích thước lớn.

D/ BIỆN PHÁP HOÁ HỌC:

a. Đối với sâu vẽ bùa: Sử dụng Dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC pha ở nồng độ 0,7% phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi lộc xuân ra đều hoặc Polytrin 400 EC pha ở nồng độ 0,1%,  phun  800 lít/ha (30 lít/sào) khi có trên 10% lá hại để phòng trừ.

b. Nhện đỏ, rệp sáp: Sử dụng Dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC pha ở nồng độ 0,7% phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi có trên 10% lá hại để phòng trừ.

c. Sâu đục thân, đục cành: Nếu phát hiện có lỗ sâu thì dùng Ofatox... pha loãng, bơm hoặc tẩm bông nhét vào lỗ sâu, sau đó dùng đất dẻo bịt lại.

d. Sâu xanh bướm phượng: Dùng thuốc sinh học V-BT hoặc nước chiết xuất nấm ký sinh từ các cá thể bị ký sinh phun trở lại vườn. 

e. Bệnh chảy gôm: Cắt bỏ những cành bị bệnh nặng, cạo sạch vỏ xung quanh vết bệnh, dùng Aliette 80WP pha 3g/01lít hoặc Ridomil MZ 72 WP pha 30g/01lít quét đẫm lên vết bệnh khi bệnh mới xuất hiện.

f. Rầy chổng cánh: Dùng dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC phun vào lúc cây chớm ra lộc với nồng độ 70 ml dầu trong 10 lít nước, bắt đầu phun khi búp lộc đầu tiên hé mở, sau đó phun 5 - 14 ngày /1lần cho đến khi đa số lộc đạt chiều dài 10 mm.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn