Thứ Bảy, 20/4/2024
Kết quả nghiên cứu đề tài Phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính trên giống bưởi đặc sản Đoan Hùng
Gửi bài In bài

Phát huy lợi thế của vùng bưởi đặc sản nhằm đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích bưởi thành vùng hàng hoá tập trung, đầu tư xây dựng vườn ươm giống cây sạch bệnh, xây dựng thương hiệu hàng hoá. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án phát triển bưởi đặc sản Đoan Hùng với qui mô trồng mới 1.000 ha đến năm 2006. Trong sản xuất, vấn đề quản lý và phòng trừ sâu bệnh như thế nào cho cây bưởi Đoan Hùng là một vấn đề hết sức quan trọng. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, nhằm đảm bảo cho vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng phát triển bền vững, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ đã xây dựng thuyết minh và được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt đề tài tại Quyết định số 1481/QĐ-CT ngày 17 tháng 5 năm 2004 mang tên: “Điều tra, nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính trên giống bưởi đặc sản Đoan Hùng”.

Thời gian thực hiện: 03 năm, từ tháng 03 năm 2004 đến tháng 12 năm 2006

Mục tiêu của đề tài:

- Điều tra, xác định thành phần, mức độ hại của sâu bệnh hại chính; điều tra các loài thiên địch chủ yếu trên giống bưởi đặc sản Đoan Hùng.

- Đề xuất các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính nhằm phát triển và nâng cao giá trị hàng hoá của giống bưởi đặc sản Đoan Hùng.

Kết quả:

Xác định thành phần các loài sâu, bệnh hại và thiên địch trên bưởi rất phong phú, bao gồm 30 loài sâu hại, 11 loài bệnh hại và 10 loài thiên địch. Các đối tượng sâu bệnh có tần suất xuất hiện nhiều là sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, sâu đục thân, cành, sâu nhớt, câu cấu, nhện đỏ, bệnh đốm dầu, bệnh chảy gôm, bệnh loét và bệnh sẹo. Loài thiên địch có tần suất xuất hiện nhiều là kiến vàng và bọ rùa đỏ.

Các đối tượng sâu bệnh hại bưởi kinh doanh phát sinh, phát triển và gây hại quanh năm. Tuy nhiên, với từng thời điểm sinh trưởng của cây, cần chú ý các từng đối tượng sau:

- Từ tháng 3 đến tháng 4 (giai đoạn lộc xuân, ra hoa, quả non) cần chú ý bệnh chảy gôm, sâu nhớt, rầy chổng cánh.

- Tháng 4 đến tháng 5 (giai đoạn lộc xuân, ra hoa, quả non) cần chú ý sâu vẽ bùa, nhện đỏ.

- Tháng 7 đến tháng 8 (giai đoạn lộc hè thu, phát triển quả) cần chú ý sâu vẽ, sâu đục thân, bệnh loét.

- Tháng 8 đến tháng 9 (giai đoạn lộc hè thu và phát triển quả) cần chú ý nhện đỏ, bệnh chảy gôm.

- Tháng 9 đến tháng 10 (giai đoạn phát triển quả) cần chú ý sâu đục thân.

Qua điều tra, tổng hợp, phân tích chế độ canh tác đã và đang sử dụng đối với cây bưởi Đoan Hùng cho thấy đa số nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc bưởi kinh doanh như bón phân, tỉa cành tạo tán, tưới nước nhất là vấn đề về phòng trừ sâu bệnh còn chưa đúng kỹ thuật,  từ đó đặt ra cần phải tăng cường tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bà con nông dân.

Các biện pháp sử dụng thiên địch trong phòng trừ sâu bệnh như di chuyển, tạo môi trường sinh sống cho loài kiến vàng ăn thịt, nhân nuôi một số loài nấm ký sinh mang lại hiệu quả. Ô thả kiến mật độ vẽ bùa, rầy chổng cánh, bọ xít và sâu xanh bướm phượng thấp hơn đối chứng; Sử dụng nấm ký sinh và nấm đối kháng đã có hiệu lực trừ sâu xanh bướm phượng và bệnh Phytopthora. Bước đầu cho thấy có thể di chuyển, tạo môi trường cho kiến vàng sống và làm tổ thuận lợi; có thể chiết suất nấm ký sinh, nhân nuôi nấm đối kháng trong tự nhiên phục vụ cho phòng trừ sâu bệnh.

Kết quả thử nghiệm các biện pháp đơn lẻ cho thấy: Biện pháp tưới nước điều chỉnh lộc, tưới trong 3 tháng 11, 12 và tháng 1 giúp cây ra lộc tập trung, tăng khả năng đậu quả cho cây. Biện pháp trồng và để băng cỏ làm tăng mật độ kiến vàng từ đó làm tăng khả năng khống chế sâu hại làm mật độ sâu giảm nhiều so với đối chứng. Thuốc đặc hiệu để phòng trừ sâu vẽ bùa sử dụng dầu khoáng 98.8EC DC-Tronplus hoặc thuốc Polytrin 440EC; phòng trừ sâu sâu xanh bướm phượng dùng thuốc sinh học V-BT;nhện đỏ và rệp sáp dùng Dầu khoáng DC-Tronplus 98,8EC; bệnh chảy gôm dùng thuốc Aliette 800WG và thuốc Ridomil MZ72WP.

- Về năng suất: Năm 2005 năng suất thống kê mô hình là 332,91 tạ/ha, làm theo tập quán nông dân 86,94 tạ/ha; năm 2006 năng suất thống kê mô hình là 100,98 tạ/ha, làm theo tập quán nông dân 31,18 tạ/ha. Năng suất năm 2006 thấp hơn năm 2005 là do đêm ngày 6/4/2006 trời có mưa rào to trên diện rộng đã làm rụng quả non trên các vườn bưởi, mặc dù đầu năm tỷ lệ ra hoa đậu quả tại các vườn rất cao. Qua điều tra thống kê cho thấy, số lượng quả/cây trung bình trong 2 năm của mô hình tăng so với tập quán là 54,8 quả/cây (14.796 quả/ha). Năng suất bình quân mô hình tăng so với tập quán là 157,89 tạ/ha.

- Về mẫu mã quả: Quả thu được từ vườn mô hình áp dụng các biện pháp tổng hợp có mẫu mã vàng tươi, đẹp hơn so với vườn tập quán. Giá bán của mô hình tăng trung bình 500 đồng/quả.

- Hiệu quả kinh tế: Tổng thu nhập bình quân/năm tăng 72.042.750 đồng/ha, lợi nhuận bình quân/năm cao hơn so với tập quán 46.692.750 đồng/ha.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn