Trên cơ sở Thuyết minh đề tài “Điều tra, nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính trên giống bưởi đặc sản Đoan Hùng” đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng mô hình áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, so sánh với biện pháp canh tác truyền thống của nông dân địa phương,
1. Thời gian tiến hành: Từ tháng 10/2004 đến tháng 12/2006.
2. Địa điểm: Mô hình được bố trí tại xã Phương Trung huyện Đoan Hùng, giống bưởi Bằng Luân, độ tuổi cây từ 8 - 10 tuổi.
3. Cách làm: Trên cơ sở kết quả của các biện pháp đơn lẻ, kết hợp với đánh giá các biện pháp kỹ thuật canh tác truyền thống và theo hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi Đoan Hùng ban hành kèm theo Quyết định số: 88/QĐ-NN, ngày 12/7/2004 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; Bố trí 1 mô hình có diện tích 1 ha trên bưởi kinh doanh, so sánh với phương pháp truyền thống của nhân dân địa phương. Mô hình gồm 2 công thức:
- Công thức 1 (Mô hình ứng dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp): Áp dụng các biện pháp canh tác truyền thống tốt, các kết quả nghiên cứu đã công bố và các thí nghiệm đơn lẻ có kết quả tốt, bao gồm:
+ Tỉa cành, tạo tán sau khi thu hoạch quả xong: Cắt tỉa những cành đã mang quả cũ, cành tăm, cành vượt giữa tán, những cành đan chéo nhau, cành bị sâu bệnh, tạo cho cây có bề rộng tán hợp lý, thông thoáng, ánh sáng được phân bố đều.
+ Bón phân theo hướng dẫn kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành:
Phân chuồng: 15 tấn/ha; Vôi bột: 300 kg/ha; Đạm Urê: 250 kg/ha; Supe lân 450 kg/ha; Ka li: 300 kg/ha.
Đợt bón
|
Thời gian
|
Lượng bón
|
Thúc cành xuân và đón hoa
|
Tháng 2
|
60% Urê + 40% Ka li
|
Thúc cành thu và tăng trọng quả
|
Tháng 6 - 7
|
40% Urê + 60% Ka li
|
Bón cơ bản (sau thu hoạch)
|
Tháng 10 - 12
|
100% h/cơ + lân + Vôi bột
|
Cách bón: Phân hữu cơ, lân, vôi bột: Đào rãnh quanh vòng tán, rộng 20 - 40 cm, sâu 25-40 cm. Trộn đều phân với đất bón vào rãnh sau đó lấp lại và tưới đẫm nước; Đạm và Kali rắc quanh tán, xăm nhẹ, tới đẫm nước, tránh đứt rễ.
+ Tưới nước: Ngay sau khi có kết quả của thí nghiệm tưới nước điều chỉnh lộc thực hiện từ tháng 11/2004, tiến hành áp dụng vào mô hình tổng hợp. Dùng bơm tưới nước mỗi tháng 1 lần vào các ngày 15 tháng 11, tháng 12/2005 và tháng 01/2006. Mỗi lần tưới đều tưới đẫm từ gốc đến xung quanh vòng tán.
+ Bao quả: Ứng dụng kết quả nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, tiến hành bao quả trong năm 2005 và năm 2006; khi quả đã đạt đường kính trên 5 cm (tháng 6), dùng túi Nilon có đục thủng một lỗ nhỏ phía dưới, bao kín quả.
+ Trồng và để băng cỏ: Ngay sau khi có kết quả của thí nghiệm trồng và để băng cỏ thực hiện từ tháng 01/2005, tiến hành áp dụng vào mô hình từ tháng 01/2006. Dùng các loại hạt cây cỏ có hoa (cây cứt lợn, vừng) rắc khi đất đủ ẩm. Khi cỏ mọc lên tốt cắt dần theo băng đồng thời xới gọn quanh gốc với đường kính 01 m.
+ Nuôi thả kiến vàng: Trên cơ sở kết quả bước đầu của thí nghiệm di chuyển, tạo môi trường sống cho kiến vàng thực hiện từ tháng 10/2004, tiến hành di chuyển 5 tổ kiến vàng từ vườn cây khác về vườn mô hình vào tháng 7/2005. Cách thả: Phát hiện những tổ kiến vàng trên các loại cây khác, dùng túi Nilon bao quanh tổ, cắt cành có tổ và di chuyển về buộc treo trên cành bưởi ở các chạng ba, chạng tư phía giữa tán. Cắt và di chuyển tổ kiến vào lúc 22 giờ đêm.
+ Biện pháp hoá học: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật và kết quả thí nghiệm hiệu lực một số thuốc hoá học thực hiện từ tháng 3/2005 đến 9/2005, tiến hành phun thuốc BVTV 2 lần, lần một dùng Dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC phòng trừ sâu vẽ bùa, nhện đỏ, nhện rám vàng và rệp sáp vảy tím hại quả; Lần 2 dùng thuốc Aliette 800WG xử lý bệnh chảy gôm.
- Công thức 2 (Tập quán): Làm theo phương pháp truyền thống của nhân dân địa phương:
+ Bón phân một lần sau thu hoạch với một loại phân là NPK, lượng bón 100 kg/ha; không tưới nước, không tỉa cành, xới sạch cỏ.
+ Phun 3 lần thuốc BVTV, lần 1 phun Bassa khi thấy sâu vẽ bùa làm xoăn lá, lần 2 phun Ofatox khi thấy sâu non bướm phượng ăn khuyết lá, lần thứ 3 phun Padan khi thấy rệp xuất hiện trên chồi và khi thấy ruồi làm rụng quả. Quét vôi 01 lần khi thấy có vết chảy gôm trên thân cây.
4. Kết quả mô hình
Về sâu bệnh hại và thiên địch chính:
Mật độ sâu hại: Trên diện tích mô hình, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, sâu đục cành và nhện đỏ xuất hiện với mật độ thấp hơn rất nhiều so với ô làm theo tập quán của nông dân.
Sâu vẽ bùa xuất hiện trong tất cả các tháng, song ở mô hình mức độ hại cao nhất là tháng 6, 7 trên đợt lộc hè thu; ngược lại ở diện tích làm theo tập quán nông dân, mức độ nặng nhất là tháng 3, 4 trên đợt lộc xuân và tháng 9 trên đợt lộc thu là 2 đợt lộc quan trọng gây ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa và đậu quả cho năm tới.
Rầy chổng cánh xuất hiện với mật độ cao vào các tháng 2, 3, 4 trùng với đợt lộc xuân trên diện tích làm theo tập quán, trên diện tích mô hình lại có mật độ thấp hơn.
Sâu đục cành xuất hiện và gây hại từ tháng 5 đến tháng 10, tuy nhiên trên ô mô hình có tỷ lệ hại rất thấp so với ô làm theo tập quán.
Tỷ lệ bệnh hại: Bệnh chảy gôm xuất hiện suốt trong thời gian theo dõi, tuy nhiên, mức độ hại nặng cần quan tâm trong khoảng tháng 4 đến tháng 10, trên ô mô hình có tỷ lệ bệnh và mức độ bị hại thấp hơn.
Bệnh loét: Xuất hiện và gây hại chủ yếu vào tháng 3 đến tháng 10, trên ô làm theo tập quán có tỷ lệ bệnh cao hơn.
Mật độ thiên địch: Trên ô mô hình, kiến vàng và bọ rùa rất phong phú, mật độ cao hơn so với ô làm theo tập quán. Chúng duy trì hoạt động trong cả năm, song hoạt động mạnh nhất vào tháng 2 đến tháng 10.
* Nguyên nhân: Do mô hình được cắt tỉa cành, tạo độ thông thoáng, bón phân, tưới nước hợp lý, trồng cỏ, nuôi thả và bảo vệ kiến vàng, bọ rùa nên đã hạn chế rất đáng kể mức độ hại của các loại sâu bệnh hại chính.
Về một số yếu tố cấu thành năng suất và hiệu quả kinh tế:
- Về năng suất: Năm 2005 năng suất thống kê mô hình là 332,91 tạ/ha, làm theo tập quán nông dân 86,94 tạ/ha; năm 2006 năng suất thống kê mô hình là 100,98 tạ/ha, làm theo tập quán nông dân 31,18 tạ/ha. Năng suất năm 2006 thấp hơn năm 2005 là do đêm ngày 6/4/2006 trời có mưa rào to trên diện rộng đã làm rụng quả non trên các vườn bưởi, mặc dù đầu năm tỷ lệ ra hoa đậu quả tại các vườn rất cao. Qua điều tra thống kê cho thấy, số lượng quả/cây trung bình trong 2 năm của mô hình tăng so với tập quán là 54,8 quả/cây (14.796 quả/ha). Năng suất bình quân mô hình tăng so với tập quán là 157,89 tạ/ha.
- Về mẫu mã quả: Quả thu được từ vườn mô hình áp dụng các biện pháp tổng hợp có mẫu mã vàng tươi, đẹp hơn so với vườn tập quán. Giá bán của mô hình tăng trung bình 500 đồng/quả.
- Hiệu quả kinh tế: Tổng thu nhập bình quân/năm tăng 72.042.750 đồng/ha, lợi nhuận bình quân/năm cao hơn so với tập quán 46.692.750 đồng/ha.
Nhờ áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu bệnh bệnh hại trên bưởi, mô hình đã thu được năng suất rất cao, hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.
Qua kết quả của mô hình cho thấy biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên bưởi là một biện pháp quan trọng tạo điều kiện cho cây trồng khoẻ, ít bị nhiễm sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; giảm chi phí, thuốc BVTV, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Đây là một biện pháp dễ áp dụng, có thể triển khai trên diện rộng nhằm góp phần duy trì và phát triển vùng bưởi đặc sản của tỉnh nhà.