Đến nay, toàn tỉnh cơ bản đã cấy xong lúa vụ chiêm xuân, diện tích gieo cấy là 32.644,9 ha đạt 90% kế hoạch. Hiện nay cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Sau khi cấy cây lúa chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm kéo dài từ ngày 13 đến 20/2 nhiều diện tích lúa cấy sớm xuất hiện bệnh sinh lý, một số địa phương những diện tích bị nặng có hiện tượng thối thối thân, thối bẹ, rễ đen cây lúa không phát triển, lá khô đỏ vàng hoặc có nhiều vết nâu xám, cây đình trệ sinh trưởng, đẻ nhánh kém, nếu không khắc phục kịp thời có thể bị lụi chết hàng vạt lớn, có khi chết cả ruộng. Lúa bị bệnh nhẹ lá vàng, chót lá khô đỏ, cứng thô, trên lá kèm theo nhiều vết bệnh đốm nâu.
Kết quả điều tra sâu bệnh kỳ 1/3/2010 vừa qua của Chi cục Bảo vệ thực vật thì diện tích nhiễm bệnh sinh lý trên lúa chiêm xuân toàn tỉnh là 3.418,8 ha, trong đó nhiễm nhẹ 2.630 ha, nhiễm trung bình 437,8 ha, nhiễm nặng 351 ha. Đặc biệt trên giống lúa Xi23 cấy trên chân ruộng trũng bị sinh lý nặng và có xuất hiện nấm bệnh gây hiện tượng thối thân, thối bẹ.
Nguyên nhân chủ yếu là do đất thiếu oxy, đặc biệt ruộng bón nhiều phân hữu cơ chưa hoai mục, phân xanh không ủ hoặc ruộng trũng hẩu, thiếu oxy, yếm khí. Ruộng nước sâu, úng ngập liên tục, nước ứ đọng lâu ngày không tháo được cũng dễ gây tình trạng thiếu oxy, tích tụ nhiều khí độc, các axít tích luỹ nhiều làm tăng độ chua của đất ảnh hưởng đến sự hô hấp và sinh trưởng của bộ rễ, làm rễ thối đen và không phát triển, khả năng hút chất dinh dưỡng giảm gây tình trạng cây thiếu dinh dưỡng. Do thời tiết thay đổi bất thường hoặc cấy trong những ngày thời tiết rét đậm, cấy sâu tay, cấy mạ già, thiếu phân bón lót đặc biệt là thiếu phân hữu cơ hoai mục và phân lân là điều kiện để bệnh phát sinh, phát triển.
Để khắc phục bệnh sinh lý tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chúng tôi giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật như sau:
- Biện pháp canh tác: Đối với chân ruộng trũng, lầy thụt cần có các biện pháp tác động như cày bừa kỹ, bón vôi bột (20 kg/sào), bón phân chuồng hoai mục (300- 400 kg/sào), phân lân (20 kg/sào) nhằm hạn chế khí độc có ở trong đất; Những ruộng đất dộc chua cần cày bừa kỹ, phơi ải, bón vôi bột để cải tạo độ chua của đất trước khi cấy.
- Khi ruộng chớm bị bệnh tháo kiệt nước phơi vài ba ngày, nếu ruộng trũng không thể tháo được nước thì phải bón thêm vôi bột và phân chuồng hoai mục, tăng cường làm cỏ sục bùn. Sử dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón qua lá như:
+ Thuốc Alsti 1.4 SL: Pha 2 - 3 ml/ bình 8 lít, phun đều cho 1 sào bắc bộ..
+ Phân bón lá rong biển SEAWEED X.O: Pha 10 ml/ bình 8 lít nước, phun ướt đều tán lá.
+ Phân bón lá rong biển SOGAN: Pha 10 ml/ bình 12 - 16 lít nước, phun ướt đều tán lá.
Lưu ý: Trên những diện tích bị nặng và có nấm bệnh gây hiện tượng thối thân, thối bẹ nên sử dụng thuốc Antracol 70 WP: Pha 25 gam/bình 12 lít phun đều cho 1 sào bắc bộ kết hợp với một trong các loại phân bón qua lá nêu trên.
Khi cây lúa hồi xanh trở lại, bộ rễ mới phát triển thì tiến hành chăm sóc bình thường.
Kỹ sư: Nguyễn Thị Lan Phương