Chủ Nhật, 24/11/2024
Biện pháp phòng trừ bệnh xoăn lá đu đủ
Gửi bài In bài

    Trong những năm gần đây, cây đu đủ được bà con nông dân đưa vào trồng trên nhiều do giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao. Chỉ riêng trên địa bàn huyện Tam Nông đã có các vùng trồng đu đủ tập trung tại các xã Thượng Nông, Hương Nộn, Thị trấn Hưng Hoá…Đặc biệt xã Thượng Nông, nhiều hộ nông dân đã hình thành trang trại tổng hợp mà cây đu đủ được chọn là cây chủ lực.

    Tuy nhiên, từ cuối vụ thu hoạch đu đủ năm 2009 đến nay, hầu hết các vườn đu đủ trên địa bàn xã Thượng Nông và Thị trấn Hưng Hoá đã nhiễm bệnh xoăn lá, gây thiệt hại lớn cho người làm vườn, nhiều hộ gia đình đã chặt bỏ cây bị bệnh trồng lại cây mới nhưng bệnh vẫn lây lan nhanh có nguy cơ mất trắng. Để giúp bà con nông dân nắm được kỹ thuật phòng trừ bệnh xoăn lá đu đủ, chúng tôi xin giới thiệu về bệnh và biện pháp kỹ thuật phòng trừ như sau:

     Bệnh xoăn lá đu đủ là do một hoặc cả hai loại virus gây nên: Virus PMV( Papaya mosaic virus) gây bệnh đốm vòng; Virus PRSV(Papaya ringspor virus) gây bệnh khảm lá. Hai bệnh này gây hại chủ yếu ở bộ phận búp và lá non biểu hiện phiến lá có nhiều vết xanh, vàng lẫn lộn. Nếu bệnh nặng lá biến dần sang màu vàng, nhỏ lại và biến dạng, số thuỳ lá gia tăng, nhăn nheo lá già bị rụng nhiều, chỉ chừa lại chùm lá non bị vàng trên ngọn. Trường hợp cây đu đủ đã nhiễm bệnh ở thời kỳ ra quả thì quả rất nhỏ, bị biến dạng, sần sùi trên chùm quả thường có một số quả chảy nhựa thâm xanh lại thành vệt dọc quả làm xấu mẫu mã và không thể ăn được do thịt quả rất đắng. Bệnh lây lan rất nhanh (nhất là những cây từ 5 - 6 tháng tuổi trở đi đối với bệnh đốm vòng và 1-2 năm tuổi đối với bệnh khảm lá) làm cho cây đu đủ còi cọc không còn khả năng sinh trưởng và phát triển dẫn đến thất thu.

    Bệnh xoăn lá đu đủ lây lan bằng hai con đường: Thứ nhất là virus tiếp xúc vết thương cơ giới do con  người canh tác tạo ra hoặc mưa gió lốc xoáy gây sây sát, do côn trùng hay các loài động vật khác làm tổn thương cây. Thứ hai là do các côn trùng môi giới truyền bệnh chủ yếu là các loài rệp; trong đó chú ý là rệp đào ( Myzus persicae) loài này thường gây hại nhiều trên rau cải, bầu, bí, mướp, dưa...

    Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu trừ bệnh xoăn lá đu đủ, để hạn chế tác hại của bệnh cần phải áp dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp, trong đó phòng bệnh là chính. Để phòng bệnh có hiệu quả cần phải chọn cây giống khoẻ không có triệu chứng nhiễm bệnh để trồng; Đất trồng đu đủ nên chọn đất cao ráo có khả năng thoát nước, nếu trồng ở ruộng thấp phải đắp ụ cao; Trước khi trồng đu đủ phải bón vôi bột để xử lý đất. Thời vụ trồng đu đủ phải tuân thủ nghiêm ngặt: Vụ xuân trồng từ sau tiết lập xuân đến hết tháng 2, vụ thu chỉ nên trồng từ cuối tháng 8 đến 15/9; Phân bón cho cây đu đủ yêu cầu cân đối: Bón lót vôi, phân chuồng hoai mục và lân supe. Bón thúc chỉ nên dùng phân tổng hợp NPKS( 12.5.10.16) giúp cho cây phát triển cân đối tăng sức chống chịu. Không nên trồng xen các loại cây trồng như: Rau cải, mướp, các loại bầu bí…trong vườn đu đủ để hạn chế rệp môi giới truyền bệnh. Trong canh tác tránh làm cho cây bị xây sát tạo vết thương cơ giới cho virus xâm nhập gây bệnh. Cần phát hiện sớm và  phòng trừ các đối tượng trích hút (Nhện đỏ, rệp, rầy, ruồi…) đặc biệt trừ rệp môi giới truyền bệnh là cần thiết. Dùng các loại thuốc hoá học đặc hiệu để tiêu diệt môi giới truyền bệnh như: Trebon, Bassa, Applau, Actara…sử dụng đúng kỹ thuật theo khuyến cáo trên bao bì.

    
Chú ý: Đu đủ rất dễ bị cháy lá bởi các loại thuốc nhũ dầu, do vậy không được pha thuốc đậm đặc như một số bà con nông dân đã làm. Để phun thuốc đạt hiệu quả tốt nhất bà con nên phun thuốc vào buổi chiều mát không có mưa. Đi cùng với các biện pháp nêu trên cần vệ sinh sạch đồng ruộng, tạo rãnh thoát nước và tung vôi bột cho vườn cây. Theo dõi, phát hiện sớm và chặt bỏ cây nhiễm bệnh đem tiêu huỷ tránh lây lan.

 

                                                            KS: Khổng Thị Kim Nguyên

                                                            Trạm BVTV Tam Nông

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn