Chủ Nhật, 24/11/2024
Hiệu quả mô hình SRI tại Lâm Thao
Gửi bài In bài
Cán bộ Chi cục BVTV kiểm tra mô hình SRI tại Lâm Thao

     Lâm Thao là một huyện trọng điểm về sản xuất lúa của tỉnh Phú Thọ. Trong những năm gần đây, nhờ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất mà sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những chuyển biến tích cực và thu được nhiều thắng lợi, đặc biệt là việc nâng cao năng suất cũng như sản lượng lúa của toàn huyện. Đảm bảo an ninh lương thực, góp phần cải thiện nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy các ngành nghề khác nhất là chăn nuôi ngày càng phát triển; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

    Ngay từ năm 2008, Lâm Thao có hai xã Kinh Kệ và Cao Xá tham gia dự án “Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI" do Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai. Đây là phương pháp canh tác dựa trên các nguyên tắc, kỹ thuật phù hợp giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển một cách tốt nhất. Đó là, cấy mạ non khi cây mạ mới 2-2,5 lá; Cấy 1 dảnh, cấy thưa 30 khóm/m2, cấy nông và nhẹ tay không làm tổn thương bộ rễ, cấy như vậy giúp cho cây quang hợp tốt đẻ nhánh sớm và tập trung; Bón phân chuồng hoai mục trước khi bừa lần cuối, bón phân đạn, lân, kali theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa nhưng lại phải bón sớm, bón tập trung, không bón phân lai rai; Điều khác với tập quán nữa là làm cỏ sục bùn chứ không phun thuốc trừ cỏ nên ruộng thoáng khí hạn chế bệnh sinh lý cây lúa phát triển tốt hơn; Một nguyên tắc nữa là rút nước 3 - 4 lần trong suốt quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, sau mỗi lần bón phân 5 ngày là rút kiệt nước kể cả ruộng nứt nẻ chân chim thì cây lúa đẻ rất nhanh và đẻ khoẻ, cho nhiều bông hữu hiệu. Giai đoạn sinh trưởng sinh thực thì giữ nước liên tục 3 - 4 cm. Khi lúa chín sáp lại rút cạn nước để tiện thu hoạch.

      Để người dân hiểu và áp dụng triệt để các nguyên tắc trên đâu có phải dễ, vì người dân đã quen tập quán cấy mạ dược, khi mạ 5 - 6 lá mới nhổ đem cấy và cấy 3 - 4 dảnh một khóm, cấy mau 45 khóm thậm chí 50 khóm/m2 .Cán bộ kỹ thuật của Chi cục và trạm BVTV huyện Lâm Thao cùng cán bộ địa phương đã phải bao ngày lận lội trên đồng ruộng vừa vận động, vừa hướng dẫn bà con nông dân thực hiện. Lúc đầu phải làm mô hình sau đó tổ chức thăm quan đầu bờ rồi mới nhân ra diện rộng.

      Kết quả năm đầu các mô hình trình diễn đã thu được thành công lớn: Năng suất lúa đạt từ 64 - 66,5 tạ/ha (tăng hơn so với làm theo tập quán từ 2,5- 4 tạ/ha); tiết kiệm được 50 – 70% lượng giống gieo, giảm nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật giảm 2 - 3 lần phun/vụ.  Theo hạch toán kinh tế thì khi áp dụng SRI người dân thu được lãi nhiều hơn là 2,2 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác truyền thống. Từ những thành công này mà dần dần nông dân đã thấy được hiệu quả của việc áp dụng SRI vào sản xuất, do đó diện tích áp dụng SRI ngày càng được nhân rộng. Vụ đầu chỉ vài chục hộ tham gia với diện tích vài ba ha, sang năm 2009 đã có gần 2000 hộ áp dụng, diện tích  lên tới 270 ha. Vụ chiêm xuân năm nay, diện tích SRI tại Lâm Thao tiếp tục được nhân rộng, chỉ riêng xã Kinh Kệ đã có 1356 hộ áp dụng, diện tích lên tới 220 ha chiếm 75 - 80% diện tích gieo cấy của xã. Ngoài hai xã Kinh Kệ và Cao Xá còn được các địa phương như Tứ Xã và Thị trấn Lâm Thao chỉ đạo nông dân áp dụng trên diện rộng. Hiện tại, trên các cánh đồng áp dụng SRI cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng, số dảnh hữu hiệu đạt 8-8,2 dảnh/khóm và khả năng cho năng xuất rất cao. Áp dụng SRI bón phân đúng kỹ thuật và cân đối nên đến thời điểm này cây lúa sinh trưởng phát triển rất tốt, khóm lúa suông, cây cứng cáp và không bị các đối tượng sâu bệnh gây hại đặc biệt là bệnh khô vằn. Tiếp súc với người dân gieo cấy theo phương pháp SRI đều trả lời là SRI đơn giản mà hiệu quả, năng suất lúa thì cao mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ và môi trường vì không sử dụng thuốc trừ cỏ và ít phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, có thể nói SRI là phương pháp canh tác sinh thái thân thiện với môi trường, là lời giải cho việc đảm bảo năng suất lúa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính. Là những cán bộ thường xuyên cùng bà con nông dân trên đồng ruộng chúng tôi mong rằng các địa phương tiếp tục tuyên truyền khuyến cáo để bà con nông dân mở rộng được nhiều hơn nữa diện tích áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI. 

                                                           Nguyễn Thị Thanh Nga

                                                            Trạm BVTV huyện Lâm Thao 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn