Chủ Nhật, 24/11/2024
BIỆN PHÁP KỸ THUẬT XỬ LÝ CHÈ SAU KHI ĐỐN
Gửi bài In bài
Cục Trồng trọt và Cục BVTV kiểm tra mô hình VietGAP chè tại Thanh Sơn

        Do đặc điểm sinh trưởng, chè là cây trồng và cho thu hoạch lâu năm, cũng vì thế mà nguồn sâu, bệnh hại luôn tồn tại và tích luỹ trên nương chè kể cả trên thân, tán, trong đất rất lớn. Một số loại sâu hại phổ biến có khả năng hình thành dịch trên nương chè như rầy xanh Chlorita flavescens, bọ cánh tơ Physothrips setiventris, nhện đỏ nâu Oligonychus coffeae và một số nhện khác, bọ xít muỗi Helopeltis theevora. Ngoài ra sâu cuốn lá, sâu chùm, sâu cuốn búp, rệp muội, sâu róm, bọ nẹt, ruồi đục lá, bọ xít, sâu kèn, mối hại thân gốc...Một số bệnh nguy hiểm phổ biến trên chè như; bệnh phồng lá Exobassidium vexans, bệnh chấm xám Pestalotiopsis theae, bệnh chấm nâu Colletotrichum camelliae. Ngoài ra các bệnh đốm trắng lá, thối búp, đốm mắt cua, bệnh sùi cành, bệnh loét cành, bệnh tóc đen chè, bệnh tảo và các bệnh do tuyến trùng cũng gây hại đáng kể.

        Trong thời kỳ cây chè sinh trưởng mạnh từ tháng 3 đến tháng 10 cũng là thời gian thu hái búp thường rất nhiều khó khăn cho việc phòng trừ sâu bệnh hoặc phòng trừ không triết để, kém hiệu quả vì tán chè rập rạp, sâu bệnh thường cư trú ẩn nấp ở mặt dưới lá và tán chè. Áp lực sâu bệnh hại trên thời kỳ thu hái rất lớn, để đảm bảo năng suất chè thì người sản suất phải chi phí rất lớn cho việc phòng trừ sâu bệnh, dẫn đến không đảm bảo thời gian cách ly, dư lượng thuốc BVTV trong chè cao, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động và môi trường sinh thái, giá thành sản phẩm cao...Đặc biệt những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ trung bình cao, lượng mưa thiết hụt, cây chè sinh trưởng kém, sâu bệnh diễn biến phức tạp. Những nương chè không được thâm canh đúng kỹ thuật, bón không đủ lượng phân, bón nhiều phân đạm vô cơ không cân đối, không được bổ xung các nguyên tố vi lượng nhất là nguyên tố vi lượng kẽm Zn++ , thiếu cây che bóng cho chè ở điều kiện khô hạn thì sâu bệnh càng phát triển và phá hoại chè mạnh mẽ hơn.

       Hằng năm, vào thời điểm tháng 12 dương lịch thì người trồng chè thường tiến hành đốn chè, đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong sản xuất thâm canh chè. Đốn chè nhằm loại bỏ phần thân cành, lá bị già úa, sâu bệnh để thay thế bộ khung tán mới, tăng cường sinh trưởng sinh dưỡng, hạn chế sinh trưởng sinh thực, kéo dài chu kỳ kinh tế của cây chè. Sau đốn thì cây chè sẽ bước vào thời kỳ ngủ nghỉ thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Đây là thời kỳ rất thuận tiện cho người trồng chè tác động các biện pháp kỹ thuật giúp cho nương chè có điều kiện sinh trưởng phát triển tốt nhất, hạn chế được sâu bệnh hại cho năm sau. Cụ thể: Tuỳ thuộc vào thời kì của cây chè mà chọn phương pháp đốn cho thích hợp. Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản tiến hành đốn tạo hình cho chè có bộ khung tán rộng, nhiều cành, phát triển cân đối. Ở thời kỳ kinh doanh lại tuỳ theo tình hình sinh trưởng phát triển của chè mà áp dụng các loại hình đốn thích hợp như: Đốn phớt, đốn lửng, đốn đau, đốn trẻ lại. Sau khi đốn chè phải tiến hành vệ sinh nương chè kịp thời, thu gom tàn dư thân, cành, lá đem đốt, kết hợp sới xáo trừ cỏ dại; bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục vào rạch chè, có thể sử dụng 0,5 lít phân sinh học Wegh lắc đều chai pha với 20 lít nước phun vào đất cho 3 sào Bắc bộ, phun xung quanh gốc chè, có điều kiện thì tưới nước cho chè thời kỳ hạn kéo dài. Biện pháp này giúp hạn chế bón phân hoá học cho chè, cân đối dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng mạnh, nhanh bật búp sau đốn, cây khoẻ tăng sức đề kháng sâu bệnh, kích thích hệ sinh vật đất hoạt động mạnh, tăng độ tơi xốp giúp cho bộ rễ phát triển hút được nhiều dinh dưỡng.

     Sau khi đốn chè từ 15 - 20 ngày tiến hành phun thuốc để trừ tàn dư sâu bệnh trên nương chè. Bà con lưu ý, chỉ sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc trừ sâu bệnh cho chè. Không sử dụng các loại thuốc hoá học bền vững có độc tính cao, thay vào đó chỉ sử dụng các loại thuốc ít độc cho người và động vật máu nóng, bảo vệ được thiên địch đối với sâu bệnh hại chè, thời gian cách ly ngắn, sau khi phun thuốc nhanh chóng bị phân huỷ thành sản phẩm đơn giản trong thời kỳ sinh dưỡng của cây không tồn dư trong sản phẩm chè, khuyến khích sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học.

     Trên thị trường hiện có bán rất nhiều loại thuốc BVTV, với nhiều tên thương mại khác nhau để sử dụng cho chè, bà con cần lưu ý lựa chọn sản phẩm phù hợp. Chúng tôi xin giới thiệu để bà con biết và áp dụng có thể hỗn hợp thuốc Bullstas 262,5 EC + Antracol 70WP ( pha 25ml  Bullstas 262,5 EC + 30 gr Antracol 70WP cho một bình 16 lít phun cho một sào Bắc bộ).

     Thuốc Bullstas 262,5 EC có sự phối hợp giữa hoạt chất Beta - cyflutherin và chlorpyrifos Ethyl nên hiệu quả trừ các loại rầy trên chè rất cao, hạn chế sự kháng thuốc của các loại sâu rầy và trừ được các loại bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, bọ trĩ, rệp và sâu ăn lá.

    Thuốc Antracol 70WP có tác dụng trừ các loại nấm hại chè, như bệnh phồng lá, chấm xám, chấm nâu, thối  búp. Ngoài ra, thuốc còn bổ sung vi lượng kẽm Zn++ tăng khả năng hút đạm và lân trong đất giúp cây chè sinh trưởng tốt hơn, cho năng suất chè cao hơn.

KS: Phạm Hiển

Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn