Vụ Chiêm xuân năm nay, các địa phương chỉ đạo bà con nông dân gieo cấy đảm bảo đúng khung lịch thời vụ và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất. Để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt ngay từ đầu vụ, ngoài việc bón phân, làm cỏ chăm sóc kịp thời thì công tác bảo vệ thực vật cần được quan tâm, góp phần bảo đảm năng suất, sản lượng khi thu hoạch. Căn cứ vào các yếu tố thời tiết, cây trồng và nguồn sâu bệnh đầu vụ, chúng tôi nhận định sâu bệnh hại lúa vụ chiêm xuân 2012 sẽ phát sinh, phát triển và gây hại với quy mô, mức độ tương đương vụ chiêm xuân năm 2011; tập trung một số đối tượng sau:
* Rầy các loại: Rầy cám lứa 1 rộ từ giữa đến cuối tháng 3, hại diện hẹp trên lúa Xuân sớm, Xuân chính vụ mật độ phổ biến 100-200 con/m2 cao >1.000 con/m2. Rầy cám lứa 2 rộ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 hại chủ yếu trên lúa xuân sớm - chính vụ giai đoạn ôm đòng - ngậm sữa, diện phân bố rộng mật độ phổ biến 500-1.000 con/m2 cao 4.000 -7.000 con/m2, ổ >10.000 con/m2 khả năng cháy ổ nhỏ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Rầy cám lứa 3 rộ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, hại lúa Xuân chính vụ, Xuân muộn giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi, mật độ phổ biến 700 -1.000 con/m2 cao hàng vạn con/m2, khả năng cháy nhiều ổ từ cuối tháng 5, đầu tháng 6.
* Bệnh đạo ôn: Phát triển mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ từ trung tuần tháng 3 trên lúa sớm, cao điểm hại từ giữa đến cuối tháng 4. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên diện hẹp có thể gây cháy ổ trong tháng 4. Bệnh trên cổ bông phát sinh từ cuối tháng 4, phát triển mạnh từ đầu đến giữa tháng 5.
* Sâu đục thân: Trưởng thành lứa 1 rộ từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, sâu non gây dảnh héo diện hẹp trên lúa chiêm, lúa Xuân sớm. Trưởng thành lứa 2 rộ từ cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 5, sâu non gây bông bạc chủ yếu trên lúa xuân muộn trà trỗ sau 15/5 tỷ lệ phổ biến 1- 3% nơi cao >10%.
* Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Thường phát sinh từ giai đoạn lúa làm đòng và phát triển gây hại đến cuối vụ, đặc biệt bệnh hại nặng sau những trận mưa dông và trên những ruộng lúa lai, ruộng bón nhiều đạm.
* Bệnh khô vằn: Thường phát sinh, phát triển mạnh từ giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến cuối vụ, bệnh thường hại nặng trên ruộng cấy dày, lá xanh tốt rậm rạp, bón phân không cân đối, bón đạm muộn. Thời tiết nắng mưa xen kẽ là điều kiện thích hợp cho bệnh lây lan, phát triển nhanh.
* Đối tượng khác: Bệnh sinh lý phát triển, gây hại các trà lúa ở giai đoạn đầu vụ và giai đoạn đứng cái, trên các ruộng dộc chua, ruộng bón phân chưa hoai mục. Chuột gây hại liên tục trong cả vụ, cần chú ý quan tâm trà cực sớm và cực muộn trên các chân ruộng ven làng, ven đồi gò, ven bờ mương. Ốc bươu vàng gây hại các trà lúa giai đoạn cấy - đẻ nhánh, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng cấy muộn, ruộng gieo thẳng và các chân đất trũng. Bọ xít dài gây hại trên trà lúa giai đoạn trỗ - chắc xanh, mức độ hại trung bình, cục bộ ổ nặng trên các ruộng ven đồi rừng, ruộng trỗ cực sớm, cực muộn, ruộng cấy các giống lúa Nếp, Hương Thơm số 1, Thiên hương, Nghi hương. Bệnh đen lép hạt gây hại cục bộ trên trà mùa sớm giai đoạn trỗ - chắc xanh, trên các giống lúa chất lượng cao. Bọ trĩ, ruồi đục nõn gây hại nhẹ đầu vụ; sâu cuốn lá gây hại lúa giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ bông. Bệnh virus lùn sọc đen phát sinh từ đầu đến cuối vụ nhưng chủ yếu hại ở giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ.
Để bảo vệ an toàn cho sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở vụ Chiêm xuân, trước hết các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân đẩy mạnh áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI (cấy mạ non, cấy thưa, bón phân cân đối NPK, bón tập trung,...) giúp cây khoẻ tăng khả năng kháng sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và phòng trừ có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh không để bùng phát thành dịch hoặc gây hại trên quy mô lớn thiệt hại cho sản xuất.
Ks. Nguyễn Thị Lan Phương
Chi cục Bảo vệ thực vật