Vụ đông năm 2010 và 2011, Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Lâm Thao( Chỉ cày rãy thoát nước khi trồng) thành công. Phương pháp này cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao; tiết kiệm chi phí, giảm công lao động, tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch, làm cho đất tơi xốp, hạn chế sự phát triển của cỏ dại và cung cấp cho đất một lượng mùn, dinh dưỡng đáng kể.
Về đất trồng, cần lựa chọn những nơi tưới tiêu thuận lợi vì cây khoai tây ưa ẩm nhưng không chịu được úng. Nếu trồng trên chân đất cấy lúa thì khi thu hoạch cần cắt sát gốc rạ; rơm rạ thu gom lại, dùng để phủ cho ruộng khoai sau này ( trồng 1 sào khoai cần chuẩn bị 3 sào rơm, rạ). Trước khi trồng, ruộng cần tháo cạn nước; bón vôi từ 15 - 20 kg/sào; sau đó tiến hành cày rãnh với khoảng cách 1,2 - 1,3 m, rãnh sâu 25 - 30 cm, rộng 30 cm.
Về giống, cần mua giống có chất lượng tốt như Diamant, Sinora,.. lượng giống 1.200 -1.400 hom củ/sào. Tiến hành ủ khoai bằng cách vặt bỏ mầm chính, xếp dày 5 - 10 cm, phủ một lớp rơm ẩm lên trên; sau khoảng 5 - 7 ngày, khi mầm mọc dài 0,5 - 1 cm thì tiến hành trồng. Nếu những củ to thì bổ củ làm 2 phần cho tiết kiệm giống. Trước khi bổ củ giống cần hơ dao qua lửa rồi bổ dọc củ khoai sao cho mỗi phần củ có 2 - 3 mầm; sau đó chấm mặt cắt vào xi măng khô và đặt ngửa củ khoai lên nong, nia hoặc bạt; khi mặt củ khô thì đem trồng. Hoặc có thể sử dụng phương pháp cắt dính để bổ củ. Trồng 1 sào khoai cần từ 5 - 8 tạ phân chuồng ; 20 - 25 kg NPK5.10.3;11-14 kg đạm; 10 - 12 kg Kali (hoặc dùng 15 kg NPK5.10.3 + 20 - 24 kg NPK12.5.10)
Tiến hành trồng khoai tây khi đất có ẩm độ khoảng 70 % (nắm chặt đất thấy dính tay, nước không chảy ra kẽ ngón tay). Bón lót toàn bộ phân chuồng và 20 – 25 kg NPK5.10.3 vào giữa luống; sau đó đặt 2 hàng củ giống so le(cách mép luống 25 cm) dọc theo chiều dài luống, khoảng cách cây cách cây 30 cm. Chú ý đặt nghiêng củ giống, không cho củ tiếp xúc với phân, dùng đất bột phủ kín củ giống giúp cố định củ và củ giống nhanh ra rễ. Dùng rơm rạ phủ một lớp dày 5 - 7 cm lên kín toàn bộ mặt luống. Sau khi trồng 7 - 10 ngày (cây mọc cao khoảng 5 cm), tiến hành tỉa bỏ bớt mầm, chỉ giữ lại 3 - 4 thân khoẻ. Sau 3 tuần (khi cây cao 20 cm) thì tiến hành bón thúc đợt 1, với lượng bón 4 - 5 kg đạm + 5 - 6 kg kali/sào; khi bón phân vạch rơm trên luống, bỏ phân vào giữa 2 cây, rồi phủ rơm kín lại, phủ bổ sung thêm rơm dày 10 - 12 cm; tưới nước ngập ½ rãnh để ngấm đủ rồi tháo cạn.
Sau trồng 6 tuần tiến hành bón thúc lần 2 với lượng phân còn lại; tưới nước như lần 1. Quá trình chăm sóc, nếu đất khô, cần phải tưới bổ sung, đảm bảo độ ẩm 70 - 75 %. Khoảng 90 ngày sau trồng, khi thân, lá cây vàng, củ nhẵn bóng thì tiến hành thu hoạch và nên thu hoạch vào những ngày trời khô ráo.
Trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây khoai tây thường bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại: Bệnh sương mai do nấm gây ra, vết bệnh có màu nâu, nếu trời ẩm thì mặt dưới lá có một lớp mốc trắng; bị nặng làm khô toàn bộ lá; ruộng bị bệnh sử dụng thuốc Ridomil Gold 68 WP, Zinep Buld,... phun phòng trừ. Bệnh héo xanh do vi khuẩn gây ra, làm ngọn và lá bị héo như nhúng nước nóng, nhưng cây vẫn còn xanh; khi chớm bị bệnh dùng thuốc PN-Balacide 32WP,... phun phòng trừ. Nhện trắng với kích thước rất nhỏ, mắt thường khó phát hiện được, tập trung hút chính hút ở mặt sau làm lá quăn lại chuyển màu tím; sử dụng thuốc: Aremec 36EC, Ortus 5SC... phòng trừ. Bọ trĩ có cơ thể nhỏ, màu vàng, dài khoảng 1 - 2 mm, nằm ở mặt dưới lá non, chính hút dịch lá ở các đường gân làm cho lá khô và chết; sử dụng thuốc Dylan 2EC, Actatoc 200 WP, Actamec 20EC... phòng trừ.
Ks. Bùi Thị Việt Oanh
Chi cục BVTV