Thứ Sáu, 19/4/2024
SÂU BỆNH HẠI CÂY ĐẬU TƯƠNG VỤ ĐÔNG
Gửi bài In bài

    Vụ đông 2012, huyện Lâm Thao gieo trồng được 980ha cây vụ đông, trong đó có 100ha đậu tương. Đây là loại cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao và có tác dụng cải tạo đất rất tốt đang được khuyến kích phát triển. Để cây đậu tương sinh trưởng và phát triển tốt cần phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính sau:
     + Ruồi đục thân: Ruồi trưởng thành đẻ trứng vào biểu bì cuống lá, sâu non đục vào giữa thân và sống ở đó phá hại làm cho cây mất dinh dưỡng khô héo chết, cây bị hại sống sót thì lùn thấp, quả và hạt ít. Vụ đông ruồi thường xuất vào tháng 10-11 đẻ trứng và gây hại. Dùng các loại thuốc: Sattrungdan 95 BTN, Nitox 30EC Dipterex, Finico 800 WG… Pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì. 
    +  Sâu cuốn lá: Sâu non nhả tơ cuốn thành bao lá và ăn phần diệp lục lá chừa lại gân lá làm giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng phát triển kém, năng suất thấp. Sâu cuốn lá gây hại lớn nhất thời kỳ cây 4 - 6 lá kép và quả đang phát triển, vụ đông hại vào cuối tháng 11 đầu tháng 12. Khi mật độ sâu non trên 25 - 30 con/m2 sử dụng các loại thuốc Regent 800WG, Finico 800 WG, Karate 25 EC  …Phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. 
    + Sâu khoang (Sâu ăn tạp): Sâu tuổi nhỏ ăn biểu bì của lá, tuổi lớn ăn cả thịt lá chỉ chừa lại gân lá, chúng còn ăn cả hoa và khoét quả ăn hạt làm giảm năng suất và chất lượng đậu tương. Dùng bẫy bả chua ngọt để diệt trưởng thành, khi có sâu non sử dụng thuốc: Shertin 1.8EC, sattrungdan 18 SL, Nitox 30 EC , Regent 800WG,… Phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. 
    + Sâu đục quả: Sâu non mới nở nhả tơ dệt một túi kén nhỏ màu trắng, nấp vào trong đó để đục khoét quả. Sau khi đã đục được vào quả thì để túi kén ở ngoài. Một quả có thể có 2 - 3 con sâu. Sau khi phá hết hạt trong quả đậu thì sâu lại chuyển sang quả đậu khác. Khi đẫy sức sâu chui ra ngoài, hoá nhộng ở dưới đất trong túi kén. Kiểm tra đồng ruộng vào thời kỳ đậu hình thành quả và quả bánh tẻ phát hiện sâu 3 - 4 con/10 cây hoặc (khi đã có 50% hoa của đợt 1 đã đậu quả) thì sử dụng các loại thuốc: Fastas 5 EC, Fortac 5 EC, Dipterex, Kuraba 1.8EC, Tungatin 3.6EC, Cyperkill 25EC…  Pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì. 
    + Bệnh lở cổ rễ: Bệnh do nấm gây hại. Lúc đầu vết bệnh chỉ là một chấm nhỏ màu đen ở gốc thân hay cổ rễ, sau đó lan rộng ra rất nhanh bao bọc quanh cổ rễ làm cổ rễ teo tóp, bộ phận lá, thân héo rũ. Sau 5 - 6 ngày bị bệnh cây đậu sẽ đổ gục và chết lụi. Khi bệnh chớm xuất hiện nên nhổ bỏ cây bị bệnh. Dùng một số loại thuốc: Validacin 5SL, Tilt Super 300 ND, Jinggangmeisu 3 SL… Phun đẫm thuốc vào chỗ bị bệnh. Thời điểm phun tốt nhất là vào thời kỳ cây có 4-5 lá kép đến trước khi ra hoa. 
    + Bệnh gỉ sắt: Ban đầu ở mặt dưới lá có những chấm nhỏ màu vàng, sau đó các vết bệnh lây lan, phát triển nhiều và hòa vào nhau tạo thành một lớp bột có màu nâu. Bệnh thường xuất hiện ở các lá già gần dưới mặt đất sau đó phát triển dần lên các bộ phận phía trên. Bệnh gây hiện tượng vàng lá và rụng. Dùng các giống có khả năng kháng bệnh như DT84. Bố trí thời vụ gieo thích hợp để tránh bị bệnh nặng trong thời gian ra hoa. Khi ruộng có 30 % lá hại, dùng các loại thuốc như: Ridomil Gold 68 WP, Jinggangmeisu 3 SL, Score 250ND, Zineb 80WP, Tilsupper 300ND…để phòng trừ theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. 
    + Bệnh sương mai: Bệnh gây hại trên các bộ phận của cây như lá, thân quả và hạt. Ở mặt trên của lá ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ, mầu xanh nhạt hay vàng nhạt, mầu xám hay mầu nâu sậm có viền mầu xanh vàng, khô cháy.. Ở mặt dưới lá bị bệnh và bên trong quả bị nhiễm bệnh có lớp mốc trắng xám, hạt bị nhiễm bệnh thường bị lép và có lớp bột màu trắng ở trên bề mặt hạt. Nên vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây bệnh sau thu hoạch; khi bệnh chớm xuất hiện phun phòng bằng các loại thuốc trừ nấm nội hấp mạnh như Aliette 80WP, Ridomil 68 WP, Jinggangmeisu 3 SL, 5WP, . Tilsupper 300ND...Tốt nhất là phun phòng vào thời kỳ cây có 4-5 lá kép đến trước khi ra hoa.                                                                                                                                                                                                                                                                                                  
                                                                                                  KS: Đặng Thị Thu Hiền   
                                                                                               Trạm BVTV huyện Lâm Thao              
                        
                            .                                                                                                                 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn