Thứ Bảy, 23/11/2024
GIEO CẤY VÀ CHĂM SÓC LÚA MÙA THEO PHƯƠNG PHÁP SRI
Gửi bài In bài

        Vụ mùa năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 33 nghìn ha lúa, trong đó diện tích áp dụng SRI trên 11.500 ha. Nhằm giúp bà con nông dân có biện pháp chăm sóc kỹ thuật đúng, giúp cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung, tăng tỷ lệ dảnh hữu cao, tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật cấy và chăm sóc giai đoạn hồi xanh đẻ nhánh theo phương pháp SRI.

         Làm  đất gieo mạ và đất cấy cần cày sâu, bừa kỹ, bón lót với lượng phân chuồng là 200 - 300 kg/sào, kết hợp với 15 - 20 kg/sào vôi bột, bón trước khi bừa vỡ. Trước khi bừa cấy cần bón lót phân NPK5:10:3 với lượng 15 - 20 kg/sào. Đất sau khi bừa kỹ được san phẳng, đánh rãnh thoát nước.    
  
          Gieo mạ nên gieo thưa,  thông thường gieo 0,5 – 0,7kg thóc / m2, để cây mạ đanh rảnh, sau cấy cây nhanh bén rễ hồi xanh nhanh. Khi mạ có từ 2 - 2,5 lá (sau gieo khoảng 7 - 10 ngày) tiến hành cấy; nên xúc mạ cấy, đảm bảo có đất bám ở rễ, hạn chế bị đứt rễ, giúp lúa nhanh hồi xanh. Cần cấy thưa với mật độ 30 - 35 khóm/m2 (đối với lúa lai), 35 - 40 khóm/m2 (đối với lúa thuần); cấy 1 - 2 dảnh, cấy nông tay, đặt nhẹ mạ và cấy thẳng hàng để tiện chăm sóc. Cần duy trì nước ở trong ruộng 2 - 3 cm sau khi cấy. Sau cấy khoảng 5 - 7 ngày cần tiến hành chăm sóc đợt 1 cho lúa. Bón phân thúc đẻ ngay, nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời giúp cho lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung, cho số dảnh hữu hiệu tối đa. Không nên bón phân nhiều lần trong giai đoạn này để hạn chế cây lúa đẻ lai rai, sinh nhiều dảnh vô hiệu. Lượng bón từ 10 - 12 kg/sào phân NPK 12.5.10; nếu dùng phân đơn, cần bón với lượng Đạm Urê là từ 3 - 4 kg, Kali clorua từ 2 - 3 kg, trộn đều rồi bón. Tiến hành sục bùn, làm cỏ để vùi phân vào đất, nhằm hạn chế việc rửa trôi phân bón, giải phóng chất độc trong đất, tăng cường oxy cho rễ, giúp bộ rễ phát triển, đồng thời hạn chế đáng kể cỏ dại phát triển. 

        Sau khi bón phân thúc đẻ khoảng 5 ngày tiến hành tháo cạn nước, giữ cho ruộng đủ ẩm và chỉ tưới nước khi mặt ruộng khô nẻ, theo phương pháp tưới tràn. Biện pháp rút nước ở thời điểm đẻ nhánh có ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm nước. Bên cạnh việc tạo cho oxy tiếp xúc trực tiếp với đất, làm giảm độ chua, giảm chất độc trong đất, tăng cường sự chuyển hóa các chất từ khó tiêu thành dễ tiêu; đồng thời giúp bộ rễ cây lúa phát triển khỏe, tăng khả năng lấy dinh dưỡng. Rút cạn nước ở giai đoạn này tạo cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc lúa, kích thích và thúc đẩy khả năng đẻ nhánh tối đa. 

        Việc chăm sóc, bón phân, làm cỏ, tưới nước đúng kỹ thuật giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất lúa thì việc phòng trừ sâu bệnh hại rất quan trọng. Vì vậy, bà con cần phải thường xuyên kiểm tra thăm đồng nhằm phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh. Chỉ phun thuốc khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng, theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật.        

                                                                                                                                  KS. Đỗ Ánh Nguyệt 
                                                                                                                                Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn