Thứ Sáu, 27/12/2024
Chủ động phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa vụ mùa năm 2013
Gửi bài In bài

Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ (bướm) vũ hóa về đêm và đẻ trứng rải rác trên lá lúa, ban ngày bướm thường ẩn náu trong khóm lúa. Sâu non khi mới nở rất linh hoạt, tuổi nhỏ nhả tơ khâu mép lá cuốn lại tạo thành bao tổ để sinh sống và ăn phần diệp lục ở trong đó, chỉ chừa lại lớp biểu bì màu trắng, làm giảm khả năng quang hợp, cây lúa sinh trưởng phát triển kém. Một con sâu thường gây hại từ 3 - 5 lá trong một vòng đời và hoá nhộng ngay trong bao lá. Nếu bị hại nặng khi lúa giai đoạn làm đòng - trỗ bông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.

Kết quả tổng điều tra sâu bệnh trên toàn tỉnh từ ngày 22 – 24/7 của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện tại bướm cuốn lá nhỏ lứa 5 đang ra rộ và bắt đầu đẻ trứng trên các trà lúa, mật độ bướm phổ biến 0,1 - 0,5 con/m2, cao 2 - 4 con/m2, cục bộ 10 - 13 con/m2 tại Cẩm Khê, Yên Lập; Mật độ trứng phổ biến 8 - 16 quả/m2, cao 25 - 50 quả/m2, cục bộ 70 - 100 quả/m2 tại Thanh Ba, Việt Trì, cá biệt tại Tam Nông mật độ trứng 270 quả/m2. Dự báo sâu non nở rộ và gây hại mạnh trên các trà lúa từ đầu tháng 8 trở đi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây trắng lá hoàn toàn nếu không phòng trừ kịp thời.

Để chủ động phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đạt hiệu quả cao, các địa phương cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền để bà con nông dân biết kiểm tra đồng ruộng và tổ chức phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn đảm bảo an toàn, hiệu quả. Khi ruộng có mật độ sâu trên 20 con/m2 (2 khóm có 1 con) đối với trà lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng, hoặc mật độ sâu trên 50 con/m2 (1 khóm có 1 con) trà lúa giai đoạn đẻ nhánh thì sử dụng 01 trong các loại thuốc như: Tasodant 600 EC, F16 600 EC, Vitory 585 EC,... có thể hỗn hợp với 01 trong các loại thuốc Dylan 10 WG, Rigell 800 WG, ... pha và phun theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì, thời gian phun thuốc tốt nhất từ ngày 01 - 07/8/2013. Khi sử dụng các loại thuốc trên để phun trừ sâu cuốn lá nhỏ, sẽ diệt trừ được luôn cả sâu đục thân và rầy các loại.

KS. Nguyễn Thị Lan Phương

Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn