Thứ Năm, 26/12/2024
Khắc phục bệnh sinh lý cho lúa chiêm xuân
Gửi bài In bài

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân khẩn trương ra đồng làm đất và cấy lúa xuân muộn. Nhiều nơi bà con đi cấy từ mùng 3 mùng 4 tết, tiến độ gieo cấy khá nhanh. Tính đến ngày 17/2 toàn tỉnh đã gieo cấy gần 32 ngàn ha, đạt trên 91% kế hoạch. Từ ngày 10/2 đến nay do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh liên tục tràn xuống, nhiệt độ ngoài trời nhiều ngày dưới 150c, thậm chí rét dưới 100c, phải ngừng gieo cấy. Qua kiểm tra, diện tích trà xuân sớm - xuân trung đang giai đoạn đẻ nhánh, trà xuân muộn giai đoạn bén rễ - hồi xanh. Tuy nhiên, những diện tích trà xuân muộn cấy sau ngày 8 /2 thì bệnh sinh lý đã xuất hiện và gây hại tại các huyện Hạ Hoà, Thanh Ba, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Thanh Thuỷ, Tam Nông. Theo thống kê nhanh tại các huyện, diện tích bị bệnh sinh lý gần 1600 ha ( nhẹ 830 ha, trung bình 478 ha, nặng 282 ha). Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và gây hại trên các trà lúa, nếu không khắc phục kịp thời cây lúa bị nặng có thể lụi chết hàng vạt lớn, có khi chết cả ruộng.

Khi bị bệnh, cây lúa có hiện tượng còi cọc, lá khô đỏ vàng, đẻ nhánh ít, bộ rễ kém phát triển sau bị đen và thối dần. Bệnh thường phát sinh trên những chân ruộng cày bừa làm đất không kỹ, ruộng cấy trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, cấy sâu tay, cấy mạ già hoặc ruộng trũng hẩu từ lâu chứa nhiều chất hữu cơ chưa phân giải, khi phân giải nhanh dẫn đến tiêu hao nhiều oxy trong đất gây tình trạng thiếu oxy và yếm khí; hoặc chân ruộng chua không được bón vôi, ruộng ven đồi, dộc chua có hàm lượng sắt, nhôm di động cao thường hay bị hại; ruộng bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt hoặc nước thải của các khu công nghiệp,… gây ảnh hưởng đến sự hô hấp và phát triển của bộ rễ, số rễ mới không mọc thêm ra, rễ cũ bị đen thối dần, khả năng hút chất dinh dưỡng giảm, gây tình trạng cây lúa còi cọc, thiếu dinh dưỡng. Bị nặng làm lá vàng khô, cây lúa lùn, lá xoè ngang và chết dần.

Để khắc phục bệnh sinh lý bà con tuyệt đối không nên bón phân đạm cho lúa mà cần áp dụng các biện pháp canh tác để thay đổi môi trường: Đối với ruộng dộc chua, sình lầy nên tháo cạn nước, phơi vài ba ngày và thay nước; nếu ruộng trũng không thể tháo được nước thì phải bón thêm vôi bột và phân chuồng hoai mục, tăng cường làm cỏ sục bùn để giải phóng khí độc trong đất; Đối với ruộng cao hạn thì đưa nước vào ruộng. Kết hợp sử dụng các chế phẩm phun bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như: DANA 08 - Siêu lân pha 25 ml/ bình 16 lít nước, SOGAN pha 10ml / bình 10 lít nước phun ướt đều mặt lá. Nếu ruộng bị nặng sử dụng thuốc Antracol 70WP pha 25 gam/bình 8 lít nước phun ướt đều tán lá hoặc Hydrophos pha 50ml/ bình 16 lít nước, phun 1 - 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày. Khi cây lúa hồi xanh trở lại, ra nhiều  rễ mới màu trắng thì tiến hành chăm sóc, bón phân thúc đẻ bình thường.

                                                             KS: Nguyễn Thị Lan Phương

                                                            Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn