Do sự biến động thất thường của thời tiết nên thời gian thu hoạch lúa chiêm xuân năm nay chậm khoảng 5 - 7 ngày, gây áp lực lớn về thời vụ vốn đã rất căng thẳng trong vụ mùa do thời gian gối vụ ngắn. Để đảm bảo thời vụ nhất là trên các chân ruộng bố trí làm ngô đông, ngay sau khi thu hoạch lúa, bà con nông dân tiến hành làm đất để gieo cấy, không có thời gian ngâm dầm hoặc phơi ải nên thân, gốc rạ, rễ lúa bị vùi lấp chưa kịp phân hủy; Một số nơi cắt sát gốc rạ đưa lên bờ phơi đốt, gây ô nhiễm môi trường và rất lãng phí nguồn phân hữu cơ.
Thời tiết đầu vụ mùa nhiệt độ cao, nắng nóng, quá trình lên men phân giải rơm, gốc rạ, rễ lúa sẽ tiêu hao nhiều oxi trong đất gây nên tình trạng đất thiếu oxi. Ngoài ra, quá trình phân giải trong điều kiện yếm khí sẽ sinh ra các axit hữu cơ và các khí độc là nguyên nhân gây nên bệnh sinh lý cho cây lúa ở giai đoạn bén rễ, hồi xanh đến đẻ nhánh.
Cây lúa bị bệnh sinh lý có hiện tượng chậm hồi xanh, cây còi cọc, đẻ nhánh chậm và ít, rễ thối đen, lá khô đỏ vàng, nếu không khắc phục kịp thời có thể bị chết lụi thành từng đám lớn, gây ảnh hưởng tới năng suất.
Sử dụng phân hữu cơ sinh học AT (AT BIO-DECOMPOSER) phun lên gốc rạ sau khi thu hoạch sẽ khắc phục được các khó khăn nêu trên, một mũi tên trúng nhiều đích:
Một là: Phân hữu cơ sinh học AT với 14 chủng vi sinh phân giải sẽ lên mem tích cực phân hủy nhanh rơm, gốc rạ, rễ lúa thành phân hữu cơ có dinh dưỡng cao cung cấp cho cây lúa. Quá trình phân hủy nhờ vi sinh tích cực sẽ không tạo ra khí độc (khí đồng lầy) ảnh hưởng xấu đến đất và bộ rễ lúa, giúp lúa nhanh hồi xanh, đẻ nhánh, không gây ra bệnh sinh lý như đã nêu ở trên.
Hai là: Theo tính toán, 1 sào lúa sẽ có trung bình 5-6 tạ rơm, rạ và rễ lúa còn lại; Sau khi được phân giải sẽ thành phân hữu cơ giúp cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây, giảm lượng phân hóa học bón cho lúa. Với chi phí 30.000 đ phân AT phun cho 1 sào mà tạo được lượng phân hữu cơ như trên sẽ tăng hiệu quả kinh tế rất lớn.
Ngoài ra còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm công lao động phải cắt và đưa rơm rạ lên bờ; Rút ngắn thời gian làm đất, ngâm dầm hay phơi ải sau gặt, đảm bảo thời vụ cho lúa mùa và kịp vụ đông.
Sử dụng phân hữu cơ sinh học rất đơn giản: Pha 200ml phân AT cho bình 16 lít nước và phun đều cho một sào, sau đó cày hoặc bừa để vùi dập rơm, rạ xuống và luôn giữ nước trên ruộng từ 1- 4cm để đẩy nhanh quá trình phân hủy; Sau phun 7-10 ngày có thể bừa lại và cấy. Trường hợp đã cày bừa rồi có thể xử lý bằng cách: Tháo bớt nước (còn 1- 4 cm) sau đó pha chế phẩm AT theo tỷ lệ như trên rồi phun đều trên mặt ruộng, sau đó bừa cấy bình thường.
Ths. Nguyễn Ngọc Dung
Chi cục BVTV