Chủ Nhật, 8/12/2024
Biện pháp diệt chuột bảo vệ cây vụ đông
Gửi bài In bài

  Trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây, chuột là đối tượng dịch hại có xu hướng gia tăng cả về quy mô và mức độ gây hại. Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích nhiễm chuột trên các loại cây trồng năm sau thường cao hơn năm trước( năm 2011tổng diện tích nhiễm chuột trên 5,2 ngàn ha; năm 2012 là 8,5 ngàn ha; năm 2013 lên trên 11,5 ngàn ha) đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, tính đến tháng 9 diện tích nhiễm chuột lên tới 9.500 ha, riêng trên cây lúa là 9.317 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 230 ha. Hiện nay, trên toàn tỉnh các trà lúa mùa đã cơ bản thu hoạch xong, bà con nông dân đang khẩn trương gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông, nguồn thức ăn trên đồng ruộng khan hiếm. Do vậy, thời gian tới cây rau, cây màu vụ đông sẽ là đối tượng gây hại chủ yếu của chuột, đặc biệt là trên cây ngô đông.

 Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ đông 2014 với tổng diện tích là 13,5 ngàn ha gồm 9 ngàn ha ngô đông, sản lượng 41,8 ngàn tấn và 4,5 ngàn ha rau, đậu các loại với sản lượng 65,2 ngàn tấn. Ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương áp dụng nhiều giải pháp tích cực nhằm đạt được thắng lợi cả về mặt diện tích cũng như sản lượng cây trồng vụ đông. Đối với cây ngô đông, bà con nông dân đã áp dụng kỹ thuật làm ngô bầu trước thu hoạch lúa 5-7 ngày và làm đất tối thiểu để trồng ngô với phương châm " sáng lúa, chiều ngô" và thực hiện gieo trồng song trước ngày 30/9 để tránh điều kiện thời tiết bất thuận khi cây ngô trổ cờ phun râu. Các loại cây rau đậu cũng được mở rộng diện tích. Các cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đạt được năng suất sản lượng cao. Qua nhiều năm theo dõi và chỉ đạo chúng tôi thấy từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm là thời gian chuột thường gây hại mạnh đối với cây trồng vụ đông, nhất là trên cây ngô đông giai đoạn trỗ cờ - phun râu và phát triển bắp đến thu hoạch làm giảm năng suất và hiệu quả kinh tế. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra đối với cây cây vụ đông nói chung và trên cây ngô đông nói riêng, bà con cần áp dụng một số biện pháp diệt trừ chuột như sau:

* Biện pháp thủ công:  Phát quang bờ, bụi rậm, gò đống làm mất nơi cư trú của chuột. Đào hang, đổ nước, hun khói, săn đuổi bắt chuột, ... chú ý không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông nội đồng và các công trình thuỷ lợi. Sử dụng các loại bẫy cặp, bẫy lồng, bẫy dính và chọn các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,... đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng để đánh bắt chuột.

* Biện pháp sinh học: Sử dụng bả sinh học Biorat để diệt chuột, đây là loại bả thành phần chính chiếm 98,7% là thóc hấp chín có chứa vi khuẩn nếu chuột ăn phải sau thời gian ngắn mắc bệnh thương hàn và chết. Nên đặt bả nơi có chuột thường qua lại, chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, kho tàng. Cứ  5 - 6 m đặt một mô bả  khoảng 25 - 50 gam, nơi nhiều chuột số mô bả và lượng bả tăng lên. Lưu ý khi đã mở gói thuốc ra nên dùng hết một lần vì để lâu thuốc sẽ mất hiệu lực và không trộn lẫn bả Biorat với các bả khác. Đẩy mạnh phong trào nuôi mèo trong các hộ gia đình, bảo vệ các thiên địch như trăn, rắn, chim cú....

* Biện pháp hoá học: Sử dụng một số loại thuốc diệt chuột nhóm chống đông máu, gây xuất huyết nội tạng như thuốc Rat K 2% D thuộc hoạt chất Warfarin để tự phối trộn mồi diệt chuột, đây là cách làm vừa rẻ tiền mà hiệu quả diệt trừ chuột rất cao và khá an toàn với người và vật nuôi. Mồi bả tự phối trộn từ thóc luộc nứt vỏ với thuốc nên có mùi rất hấp dẫn chuột, chuột ăn phải mồi bả sau 3 đến 5 ngày sẽ gây chảy máu đường ruột, do máu không đông được nên làm cho chuột suy kiệt, tìm về hang ẩn náu và chết. Cách phối trộn mồi bả như sau: Dùng thóc luộc nứt vỏ chấu để ráo nước sau đó trộn với thuốc Rat K 2%D để thành mồi bả. Cứ 1 gói thuốc Rat K 2% D trọng lượng 10 gam thì trộn với 4 - 5 lạng thóc đã luộc để làm mồi; như vậy 1 kg thuốc Rat K 2% D cần luộc 30 kg thóc để được gần 50 kg mồi bả. Hình thức thực hiện hiệu quả là các địa phương hỗ trợ tiền mua thuốc Rat K 2% D và tổ chức luộc thóc và phối trộn theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người dân góp thóc và nhận lại mồi bả về thực hiện đánh chuột. Như vậy, chi phí chỉ khoảng 1.500 đồng /sào, rất rẻ, dễ làm, an toàn mà hiệu quả trừ chuột lại cao. Trung bình 1 lạng mồi bả đặt thành 5 - 7 mô cho diện tích 1 sào bắc bộ cần đánh chuột; tùy theo mức độ hoạt động và gây hại của chuột mà tăng hoặc giảm lượng mồi bả, đặt bả trên lối chuột thường qua lại và nơi chuột mới phá hại. Nơi quá nhiều chuột cần kiểm tra và đặt bổ xung bả vào ngày hôm sau. Lưu ý: Mồi khi trộn phải đủ ẩm và trộn thật đều với thuốc. Phải theo dõi thời tiết để quyết định ngày đặt bả để tránh gặp mưa làm hỏng bả.

Việc tổ chức diệt trừ chuột cần phải đồng loạt, liên tục trong cả khu vực và có sự tham gia của cả cộng đồng, do chuột là loại động vật có khả năng di chuyển xa để tìm thức ăn nên bán kính hoạt động gây hại lớn. Vì vậy, nếu chỉ diệt ở diện tích nhỏ thì sau một thời gian ngắn chuột ở khu vực xung quanh lại di chuyển tới sinh sôi nảy nở và tiếp tục gây hại. Khi thực hiện diệt chuột bằng mồi, bả cần thông báo rộng rãi trong khu dân cư, tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột chôn cẩn thận đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và môi trường. Tuyệt đối không dùng thuốc chuột Trung Quốc là thuốc ngoài danh mục không được phép sử dụng ở Việt Nam rất dễ gây nguy hiểm cho người và vật nuôi. Tổ chức diệt trừ chuột giai đoạn này ngoài việc hạn chế thiệt hại trên cây trồng vụ đông do chuột gây ra, đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng làm giảm số lượng quần thể chuột và số lượng chuột tham gia sinh sản gây hại vào vụ chiêm xuân và cả năm sau.

                                                                                 

                                                                                   Bài và ảnh: Phạm Hiển

                                                                                            Chi cục BVTV

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn