Thứ Năm, 26/12/2024
Nâng cao chất lượng SRI, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững
Gửi bài In bài

 Năm 2007, Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là một tiến bộ kỹ thuật (TBKT). Đây là một TBKT được xây dựng dựa trên cơ sở của các biện pháp quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại và quản lý nước nhằm hướng tới việc canh tác lúa một cách có hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường. Tại tỉnh Phú Thọ, Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai và mở rộng ứng dụng SRI từ năm 2008 đến nay đã thu được kết quả khá tốt. Đây là biện pháp canh tác được người nông dân hưởng ứng, diện tích áp dụng SRI năm sau cao hơn năm trước và được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, UBND tỉnh Phú Thọ đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ mở rộng trong sản xuất. Năm 2014, diện tích áp dụng SRI toàn tỉnh đạt trên 25 ngàn ha, chiếm hơn 30% diện tích đất trồng lúa, đã góp phần giảm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI được áp dụng một cách linh hoạt tùy theo điều kiện canh tác cụ thể, dựa trên 5 nguyên tắc như sau:

Nguyên tắc thứ nhất là cấy mạ khỏe, mạ non: Gieo mạ thưa để cây mạ sinh trưởng khỏe, đanh dảnh, gieo 0,1 kg thóc/1m2 đất. Cấy khi tuổi mạ 2 - 2,5 lá và nên cấy mạ xúc, cấy nông tay để cây mạ không bị đứt rễ, nhanh hồi xanh, đẻ nhánh khỏe.

Nguyên tắc thứ hai là cấy thưa: Tùy chân đất, giống lúa và chế độ thâm canh mà chọn mật độ cấy cho hợp lý. Đất càng tốt, thâm canh càng cao, giống lúa sinh trưởng khỏe, cấy mạ non thì nên cấy mật độ thưa hơn và ngược lại. Mật độ cấy thích hợp 30 - 35 khóm/m2 (đối với lúa lai), 35 - 40 khóm/m2 (đối với lúa thuần). Cấy 1 - 2 dảnh/khóm, cấy vuông mắt sàng để cây lúa sinh trưởng khỏe, ruộng lúa thông thoáng.

Nguyên tắc thứ ba là làm cỏ kết hợp sục bùn: Tiến hành làm cỏ, sục bùn 1 - 3 lần trong khoảng thời gian 30 ngày đầu sau cấy, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Việc này sẽ giúp cho đất được thông khí, hạn chế cỏ dại và tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt hơn. Lần đầu được tiến hành ngay khi cây lúa hồi xanh, ra lá, rễ mới kết hợp với bón phân sớm thúc đẻ.

Nguyên tắc thứ tư  tưới và rút nước xen kẽ: Việc tưới và rút nước xen kẽ 3 - 4 lần trong vụ nhưng vẫn đảm bảo đất đủ ẩm sẽ kích thích rễ lúa ăn sâu, lan rộng, tạo cho cây có một bộ rễ khỏe, tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng, chống ngã đổ tốt. Để điều tiết nước trong ruộng thuận lợi nên chia ruộng thành các luống rộng khoảng 1,5 - 2m, tạo rãnh thoát nước rộng 25cm, sâu 10 - 20cm ở xung quanh ruộng và giữa các luống. Việc tạo rãnh này cũng giúp bà con dễ dàng chăm sóc lúa và thu bắt ốc bươu vàng.

Nguyên tắc thứ năm là tăng cường sử dụng phân hữu cơ: Sử dụng phân hữu cơ hoai mục có tác dụng cải tạo và tăng độ phì cho đất rất tốt; làm cho đất không chỉ đơn thuần là giá thể cho cây bám vào mà còn là một thể sống với vô số vi sinh vật hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tăng cường khả năng hút dinh dưỡng và nâng cao khả năng chống chịu của cây lúa.

Các kết quả thực nghiệm cho thấy rằng, nếu nơi nào áp dụng được đầy đủ các nguyên tắc SRI sẽ mang lại hiệu quả đáng kể; giảm 40 - 50% lượng giống so với tập quán (SRI sử dụng 0,6 - 0,7 kg thóc/sào), giảm trung bình 2 lần phun thuốc BVTV/vụ, nước tưới giảm 2 lần/vụ, năng suất tăng 7 - 15% tương đương 15 - 30 kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5 - 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, việc áp dụng đầy đủ 5 nguyên tắc SRI hiện nay còn rất thấp, mới chiếm khoảng 3 - 4% diện tích áp dụng SRI. Đa số nông dân mới chỉ áp dụng được 1 - 2 nguyên tắc (cấy mạ non 2 - 2,5 lá, cấy thưa 30 - 40 khóm/m2); các nguyên tắc còn lại (làm cỏ sục bùn, điều tiết nước, tăng cường sử dụng phân hữu cơ) chưa được áp dụng nhiều. Nguyên nhân chính xuất phát từ tư duy canh tác của nông dân, ruộng đất còn nhỏ lẻ, manh mún, hệ thống mương tưới, tiêu nội đồng chưa đồng bộ, lao động vừa thiếu lại vừa yếu; bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp nên người dân không chú trọng đầu tư thâm canh, cải tạo đồng ruộng.

Vì vậy, để dần từng bước nâng cao chất lượng áp dụng đầy đủ nguyên tắc SRI, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao theo phương pháp cầm tay chỉ việc cho người nông dân. Làm các mô hình trình diễn, bố trí các thí nghiệm so sánh,.. để người dân thăm quan học tập. Tăng cường thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấy được và làm theo. Về lâu dài, để tăng năng suất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có chiến lược tổng thể; nhất là cần có sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia nhiệt tình của bà con nông dân. Cần đầu tư, xây dựng và cải tạo hệ thống kênh mương tưới tiêu, giao thông nội đồng, từng bước dồn đổi ruộng đất để giảm số ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Xây dựng mô hình cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, giúp nông dân tham gia mô hình cùng cấy một giống, gieo cấy cùng trà và chăm sóc lúa theo SRI; để sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó khuyến khích người nông dân đầu tư vào sản xuất theo hướng thâm canh bền vững.

 

Ths. Trần Thái Ninh

Chi cục BVTV

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn