Bàn giải pháp chăm sóc lúa vụ đông xuân 2014 – 2015 tại Bộ Nông nghiệp và PTNT
Sản xuất vụ Đông xuân 2014 – 2015 diễn ra trong điều kiện thời tiết ấm, thậm chí tiệm cận ngưỡng"quá ấm", đặc biệt từ nửa cuối tháng 2, thời tiết nắng ấm bất thường và chuyển mùa nhanh. Theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc từ ngày 21 – 28/2/2015, nhiệt độ không khí trung bình cao hơn TBNN và cao hơn cùng kỳ năm tước 5,9 – 6,5oc; tổng số giờ nắng các nơi phổ biến từ 40 – 42 giờ, cao hơn cùng kỳ năm trước 28 – 40 giờ. Thời tiết ấm bất thường giúp cho cây lúa sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng, làm đòng trỗ sớm rất dễ gặp thời tiết bất thuận như rét muộn, cường độ ánh sáng yếu sẽ ảnh hưởng đến năng suất; mặt khác, vụ xuân ấm các đối tượng sâu bệnh hại rất dễ có nguy cơ gây hại nặng, bùng phát trên diện rộng.
Trên lúa Chiêm xuân, các đối tượng sâu bệnh hại chính gồm: Rầy các loại, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Ngoài ra, ốc bươu vàng, bệnh sinh lý, bọ trĩ, ruồi đục nõn hại đầu vụ; bệnh lùn sọc đen xuất hiện và gây hại ở giai đoạn đẻ nhánh; bọ xít dài gây hại giai đoạn trỗ - ngậm sữa; nhện gié, bệnh đen lép hạt hại cuối vụ; chuột gây hại liên tục trong vụ. Diễn biến sự phát sinh và gây hại của một số đối tượng chính trong vụ như sau:
- Rầy các loại: Rầy xám phát triển và gây hại mạnh giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng; rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại mạnh giai đoạn lúa trỗ - chắc xanh. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy ổ. Ngoài ra, rầy lưng trắng còn là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen gây hại lúa, ngô. Có 3 lứa rầy gây hại trong vụ:
+ Lứa 1: Rầy cám ra rộ từ đầu đến giữa tháng 3 trên lúa xuân sớm giai đoạn đẻ nhánh. Lứa này mật độ thấp, không gây hại lớn chỉ tích luỹ mật độ cho lứa sau.
+ Lứa 2: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 4, gây hại trên lúa xuân sớm giai đoạn làm đòng - trỗ bông, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy ổ nhỏ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.
+ Lứa 3: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại trên lúa xuân sớm giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi, xuân muộn giai đoạn trỗ - chắc xanh. Đây là lứa rầy chính trong vụ có khả năng gây hại nặng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy chòm trên các giống nhiễm vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Dự kiến diện tích và mức độ gây hại cao hơn năm 2014. Các huyện cần chú ý: Đoan Hùng, Lâm Thao, Thanh Ba, Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Việt Trì,...
- Sâu đục thân 2 chấm: Vụ xuân có 2 lứa gây hại chính:
+ Lứa 1: Bướm lứa 1 ra rộ khoảng từ giữa đến cuối tháng 3, sâu non gây dảnh héo rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh. Giai đoạn này cây lúa có khả năng tự đền bù sự gây hại do sâu đục thân gây ra, cần tập trung chăm sóc, không phun thuốc hoá học để bảo vệ thiên địch đầu vụ.
+ Lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 5, sâu non gây bông bạc chủ yếu trên trà xuân muộn trỗ trùng thời kỳ bướm rộ, mức độ hại từ nhẹ - trung bình, cục bộ ổ nặng. Đây là lứa gây hại chính trong vụ.
Dự kiến diện tích và mức độ hại có khả năng cao hơn năm 2014. Các huyện cần chú ý: Phù Ninh, Đoan Hùng, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Sơn...
- Sâu cuốn lá nhỏ: Có 3 lứa trong vụ:
+ Lứa 1: Bướm ra rộ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, sâu non gây hại rải rác trên lúa xuân sớm. Mức độ hại nhẹ, lứa này không cần phòng trừ, hạn chế phun thuốc đầu vụ để bảo vệ thiên địch.
+ Lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 4, sâu non gây hại trên lúa xuân sớm giai đoạn làm đòng, xuân muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Lứa này chỉ phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên (đối với trà xuân sớm), 50 con/m2 trở lên (đối với trà xuân muộn).
+ Lứa 3: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 5, sâu non gây hại trên xuân muộn giai đoạn làm đòng - trỗ, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng. Cần theo dõi chặt chẽ vì mật độ sâu lứa này thường phát triển cao và gây hại nặng.
Dự kiến diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ và mức độ gây hại cao hơn năm 2014. Các huyện đều cần quan tâm theo dõi để phòng trừ.
- Bệnh khô vằn: Phát sinh và gây hại mạnh trên các trà lúa ở giai đoạn đứng cái, làm đòng – chắc xanh từ cuối tháng 3 đến cuối vụ. Bệnh hại nặng trên ruộng cấy dày, bón nhiều đạm, bón không cân đối. Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại có khả năng cao hơn năm 2014.
- Bệnh đạo ôn: Phát sinh gây hại diện hẹp trên các trà lúa ở giai đoạn đẻ rộ - trỗ bông từ giữa đến cuối tháng 3 và lây lan gây hại mạnh trong tháng 4 đến đầu tháng 5. Bệnh hại nặng trên giống nhiễm (Nếp, BC15, KD18, HT1, Q5,...), ruộng lúa xanh tốt, bón thừa đạm. Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại tương đương năm 2014. Các huyện cần chú ý: Lâm Thao, Yên Lập, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Cẩm Khê,...
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh và gây hại vào cuối vụ xuân khi lúa ở giai đoạn làm đòng - trỗ chín, phát triển mạnh sau những trận mưa dông. Bệnh thường gây hại nặng trên các giống lúa có bản lá to, màu xanh đậm, ruộng thường xuyên bị bệnh ở những vụ trước, ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn và bón không cân đối.
Từ cuối tháng 3 và tháng 4 tháng 5 là thời điểm các đối tượng sâu bệnh gia tăng gây hại trên lúa Chiêm xuân, các địa phương cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn huy động cán bộ khuyến nông , bà con nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng và phòng trừ kịp thời các ổ sâu bệnh. Có như vậy mới đảm bảo an toàn sâu bệnh và thắng lợi về năng suất, sản lượng trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Phạm Hiển
Chi cục Bảo vệ thực vật