Thứ Năm, 31/10/2024
Kết quả mô hình nâng cao chất lượng SRI vụ xuân 2015
Gửi bài In bài

Nhằm nâng cao chất lượng áp dụng SRI trên địa bàn tỉnh, vụ xuân năm 2015, Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai 8 mô hình trình diễn nâng cao chất lượng SRI ( áp dụng từ 4 nguyên tắc trở lên) diện tích 10,5 ha với sự tham gia của 300 hộ nông dân tại các xã Thu Ngạc huyện Tân Sơn, xã Tứ Xã huyện Lâm Thao, xã Dậu Dương huyện Tam Nông, xã Tử Đà huyện Phù Ninh, xã Văn Lung thị xã Phú Thọ, xã Chí Đám huyện Đoan Hùng, xã Đồng Xuân huyện Thanh Ba và xã Thụy Vân thành phố Việt Trì.

Để triển khai các mô hình, Chi cục BVTV đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, hỗ trợ 100% lượng phân NPK 12- 5 -10 bón thúc theo quy trình bón khép kín; cử cán bộ kỹ thuật định kỳ kiểm tra tình hình sinh trưởng, sâu bệnh hại và hướng dẫn trực tiếp bà con nông dân thực hiện theo các nguyên tắc SRI bao gồm từ khâu gieo mạ thưa; cấy mạ non từ 2 - 2,5 lá; Cấy thưa mật độ 35 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm; Trong khoảng 30 ngày đầu sau cấy, tiến hành làm cỏ sục bùn 1 - 3 lần, kết hợp với bón phân thúc đẻ giúp hạn chế cỏ dại, cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh; Cả vụ tiến hành tưới và rút nước xen kẽ 3 - 4 lần nhằm kích thích rễ lúa phát triển nhanh, kích thích cây lúa đẻ nhánh sớm và tập trung là cơ sở nâng cao số dảnh hữu hiệu cho bông sau này; Ngoài ra khuyến cáo bà con tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục giúp cải tạo đất, tăng  độ phì và vi sinh vật có lợi giúp tăng khả năng hút dinh dưỡng của cây lúa.

Thực tế cho thấy, ruộng áp dụng SRI cây lúa có bộ rễ to, dài, cây cứng, khỏe làm tăng khả năng hút nước và chống đổ cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh. Các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh gây hại thấp hơn đại trà và dưới ngưỡng phòng trừ do đó các mô hình hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, giảm chi phí. Cây lúa trong mô hình đẻ nhánh sớm và tập trung hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 3 đến 5 ngày so với đại trà. Tất cả các giống lúa áp dụng SRI đều cho số bông cao hơn đại trà từ 0,3 đến 1 bông/khóm, số hạt chắc nhiều hơn 6 - 30 hạt/bông, tỷ lệ hạt lép giảm 1,1 -  9,7% so với đại trà. Năng suất thực thu các mô hình đều cao hơn đại trà từ 14 đến 37 kg/sào, cụ thể: Mô hình Phù Ninh đạt 267,4 kg/sào (cao hơn đại trà 14 kg/sào), mô hình Lâm Thao đạt 289 kg/sào (cao hơn đại trà 29 kg/sào), mô hình Tam Nông và Tân Sơn đạt 237,3 và 227 kg/sào (cao hơn đại trà 37 kg/sào), mô hình Phú Thọ và Đoan Hùng đạt 245,5kg/sào (cao hơn đại trà 18,4 – 24 kg/sào), mô hình Việt Trì và Thanh Ba đạt 250 kg/sào (cao hơn đại trà 30 kg/sào). Hạch toán kinh tế cho thấy, các mô hình SRI đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn đại trà từ 3 đến 9 triệu đồng trên 1 ha.

Thông qua các mô hình cho thấy áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI ngoài việc giảm chi phí đầu vào như giảm công, giống, phân bón, thuốc BVTV ra thì còn tăng năng xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe công đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu./.

KS. Bùi Thị Việt Oanh

Chi Cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn