Thứ Năm, 31/10/2024
SRI trên đồng đất Hạ Hòa
Gửi bài In bài

Năm 2009, huyện Hạ Hòa bắt đầu áp dụng SRI vào sản xuất lúa tại 2 xã Mai Tùng và Gia Điền với diện tích 13,6 ha. Ngay từ khi triển khai cán bộ kỹ thuật của Trạm Bảo vệ thực vật, trạm Khuyến nông, phòng Nông nghiệp đã phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI. Đồng thời phát trên 5.000 tờ rơi, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật SRI cho bà con nông dân trên địa bàn huyện. Các biện pháp kỹ thuật của SRI đơn giản, bà con nông dân dễ áp dụng, hiệu quả kinh tế cao hơn phương pháp canh tác truyền thống nên được bà con nông dân tích cực hưởng ứng. Diện tích áp dụng SRI trên địa bàn huyện năm sau thường cao hơn năm trước. Đến năm 2014, toàn huyện đã có 1.880 ha lúa được áp dụng kỹ thuật SRI; vụ xuân 2015 diện tích áp dụng SRI đạt 1.005ha chiếm 25,27% diện tích trồng lúa của huyện. Sau 5 năm áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất: Đã giảm 40-50% lượng giống so với phương pháp canh tác truyền thống; lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm từ 1-2 lần phun/vụ, năng suất cao hơn canh tác truyền thống từ 7-15%, hiệu quả kinh tế tăng từ 5 - 11 triệu đồng/ha. Vụ mùa năm nay, UBND huyện Hạ Hòa tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích áp dụng SRI, theo kế hoạch diện tích áp dụng SRI toàn huyện là 1000ha. Để đạt được kế hoạch đã đề ra, ngay từ khi sắp thu hoạch lúa chiêm xuân UBND huyện đã giao chỉ tiêu mở rộng SRI cho các xã, thị trấn, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn thực hiện việc tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, trang bị tài liệu cho nông dân... Đến ngày 23/6/2015, toàn huyện đã gieo cấy được trên 50% diện tích lúa vụ mùa trong đó có trên 500 ha lúa áp dụng kỹ thuật SRI.

Trong thời gian tới huyện Hạ Hòa tiếp tục chỉ đạo cán bộ khuyến nông các xã, thị trấn và trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục gieo cấy và thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật SRI như cấy mạ non, cấy thưa, bón phân cân đối kết hợp làm cỏ, sục bùn, điều tiết nước quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng cường khả năng chống chịu với thời tiết cực đoan và sâu bệnh góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất lương thực. Đồng thời từng bước đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn