Thứ Năm, 26/12/2024
Một số bệnh thường gặp trên cây cà chua vụ đông
Gửi bài In bài

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, trong thời gian qua, người nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cà chua theo cơ cấu trà sớm. Cà chua sớm có ưu điểm vượt trội về giá và thị trường tiêu thụ, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cà chua dễ bị mắc một số bệnh, làm giảm năng suất và chất lượng quả. Nhằm giúp bà con nông dân chủ động trong công tác phòng trừ, chúng tôi xin giới thiệu một số bệnh hại thường gặp trên cây cà chua và biện pháp phòng trừ gồm: Bệnh sương mai, bệnh héo rũ và bệnh xoăn lá virus.

+ Bệnh sương mai còn gọi là bệnh mốc sương, rám sương, chết nâu; bệnh do nấm gây ra. Bệnh phá hoại từ giai đoạn cây con đến khi thu hoạch và hại ở tất cả các bộ phận của cây gồm cả lá, hoa và quả. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ có màu xanh tái, hình tròn hoặc bầu dục, sau lan rộng ra từ mép lá, thân cây hoặc trên bề mặt quả, vết bệnh chuyển màu nâu hoặc nâu sẫm. Trời ẩm ướt, trên lá xuất hiện lớp mốc trắng ở mặt dưới vết bệnh. Bệnh phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện nhiệt độ từ 18 – 21độ C, độ ẩm không khí cao, trời nhiều mây mù, có mưa phùn kéo dài. Để phòng trừ hiệu quả, cần chú ý theo dõi áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM ngay từ đầu vụ như: Thu dọn tàn dư cây trồng, vệ sinh đồng ruộng bằng vôi bột, chọn giống cây con khoẻ, lên luống cao, thoát nước, bón phân chuồng hoai mục, bón cân đối giữa NPK, tránh tưới phun mưa. Khi bệnh mới xuất hiện bệnh có thể dùng một số thuốc thuộc nhóm hoạt chất: Zineb, Chlorothalonil, Mancozeb, Metalaxyl, Copper Hydroxide,... ví dụ như: Zineb Bul 80WP, Champion 77WP, Ridomil Gold 68 WG, Daconil 75WP .... Phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Nếu bệnh nặng phun 2 lần cách nhau 5 đến 7 ngày.

+ Bệnh héo rũ do vi khuẩn còn gọi là héo xanh, bị bệnh cây thường chết nhanh, vỏ thân ở gốc sù xì, cắt ngang thân thấy bó mạch nâu hoặc nâu đen, nếu ấn mạnh có thể thấy dịch vi khuẩn màu trắng đục, thân cây dần dần thối mềm. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Để phòng trừ hiệu quả bệnh héo rũ do vi khuẩn cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để hạn chế, ngăn ngừa bệnh là chủ yếu; khi bệnh chớm xuất hiện tiến hành nhổ bỏ cây bị bệnh để tiêu hủy, có thể dùng một số thuốc thuộc dòng hoạt chất Kasugamycin, Ningnanmycin, Streptomycin, Cucuminoid, Gingerol, ... ví dụ như: Stifano 5.5SL, Elcarin 0.5SL, Sat 4SL ... để phun nhằm ngăn chặn bệnh tiếp tục lây lan.

+ Bệnh héo rũ do nấm còn gọi là héo vàng, cây chết chậm, cây bị bệnh thấp lùn, ít quả, gốc cây có nấm mốc màu hồng nhạt, cắt dọc thân, bó mạch có màu nâu tươi, vết bệnh ở thân giáp mặt đất hoặc cổ rễ màu nâu, lớn dần làm khô tóp cả đoạn thân sát mặt đất và cổ rễ, bộ rễ ít phát triển, nhổ cây bệnh dễ đứt đoạn ở gốc thân. Bệnh phát triển trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Để phòng trừ hiệu quả bệnh cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, dọn sạch tàn dư cây trồng, bón cân đối NPK. Khi phát hiện cây bị bệnh dừng bón các loại phân hóa học và phân bón qua lá, dùng các loại thuốc thuộc dòng hoạt chất Tricoderma, Cucuminoid, Gingerol, Ningnanmycin, Chitosan, ... ví dụ như: Stifano 5.5SL, Zineb Bul 80WP, Ridomil Gold 68 WG, Daconil 75WP... phun kỹ vào gốc cây.

+ Bệnh xoăn lá do vi rút gây hại, làm cây còi cọc, lá xoăn, cây không ra quả hoặc quả ít, méo mó, khô rắn, ít nước. Bệnh hại nặng có khi  nhổ bỏ cả ruộng. Biện pháp phòng trừ cần lưu ý áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM: Thực hiện luân canh cây trồng, chọn giống cây con khỏe không bị bệnh, tăng cường sử dụng phân chuồng hoai mục, bón cân đối NPK, diệt trừ tác nhân gây bệnh là bọ phấn. Khi phát hiện cây bị bệnh nhổ bỏ, tiêu huỷ để tránh lây lan trên diện rộng./.

Ths. Nguyễn Ngọc Dung

Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn