Lãnh đạo Chi cục BVTV kiểm tra sâu bệnh và hướng dẫn biện pháp tỉa cành tạo tán bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng là cây ăn quả đặc sản,
có giá trị kinh tế cao, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương
hiệu và chỉ dẫn vị trí địa lý. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp
chính quyền từ tỉnh đến huyện, nông dân vùng bưởi huyện Đoan Hùng đã mạnh dạn đầu
tư vào sản xuất, quy mô diện tích cây bưởi ngày càng tăng, đồng thời tích cực ứng
dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng quả bưởi đặc sản.
Để duy trì ổn định năng suất, chất
lượng quả cũng như đảm bảo cho vườn bưởi khỏe mạnh và hạn chế hiện tượng ra quả
cách niên, bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, nhất là kỹ
thuật chăm sóc cho cây sau thu hoạch, chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Sau thu hoạch
quả bưởi được 20 ngày trở đi cần tiến hành cắt tỉa bỏ các cành tăm, cành sâu bệnh,
cành vượt, cắt cuống quả, thu dọn tàn dư đem tiêu hủy. Làm sạch cỏ dại xung
quanh vườn kết hợp quét vôi gốc cây. Thực hiện bón phân bổ sung để bù đắp lại lượng dinh dưỡng trong đất sau thu
hoạch quả, giúp cây bưởi duy trì khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo
cho việc phát triển đợt lộc xuân. Sử dụng phân chuồng hoai mục với lượng 50 - 70
kg phối trộn với 2 - 3 kg NPK(12.5.10) để bón cho 1 gốc cây đã
cho thu hoạch. Tiến hành đào rạch rộng 25 - 30 cm sâu 10 - 15 cm theo rìa chiều
rộng tán lá, rắc đều phân vào rạch và lấp kín đất, nếu trời hanh khô bà con nên
tưới nước giúp cho cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng.
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật tỉa
cành, bón phân bổ sung cho cây bưởi, cần thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện
các đối tượng sâu bệnh như bệnh chảy gôm, bệnh loét sẹo, … kịp thời phòng trừ
theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.
KS Đỗ Chí Thành
Chi cục Bảo vệ thực vật