Chủ Nhật, 28/4/2024
Tích cực đánh "giặc chuột" bảo vệ sản xuất năm 2016
Gửi bài In bài
Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV hướng dẫn phối trộn mồi bả diệt chuột

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai diệt chuột, góp phần làm giảm thiệt hại do chuột gây ra. Năm 2014, diện tích cây trồng bị chuột hại trên 11,2 nghìn ha; trong đó diện tích bị nặng là 230 ha. Năm 2015, diện tích cây trồng bị chuột hại giảm nhưng vẫn còn ở mức cao trên 5,7 nghìn ha, trong đó một số diện tích bị hại nặng, giảm năng suất hoặc thất thu cục bộ là 19,0 ha. Ngoài ra, chuột còn gây hại các công trình xây dựng như nhà cửa, kho tàng, cầu cống, kênh mương và các đồ gia dụng, cây cảnh trong gia đình và công viên. Đồng thời, chúng còn là nguyên nhân truyền bệnh dịch hạch cho con người. Tác hại của chuột là rất lớn, có thể "kết tội" chúng như là loài "giặc" phá hại sản xuất và đời sống con người cần phải tiêu diệt thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, biện pháp diệt chuột của nông dân ở một số nơi chưa đem lại hiệu quả cao.

Nguyên nhân vẫn còn những diện tích bị chuột hại nặng lad do một số biện pháp diệt chuột chưa đúng:

 Một là, biện pháp quây rào nilon nhưng không đo rọ để bắt chuột, biện pháp này chỉ có tác dụng ngăn chặn chuột vào ruộng nhà mình mà không có tác dụng diệt chuột;

Hai là, biện pháp cắm cây nêu, làm bù nhìn trên ruộng để xua đuổi chuột, đây là biện pháp không đúng, không ngăn chặn được chuột phá hại và cũng không có tác dụng diệt trừ chuột.

Ba là, đào hang nhưng không bắt được chuột hoặc đặt mồi, bả đánh chuột gặp mưa nên hiệu quả kém.

Bốn là, lựa chọn thời điểm diệt chuột không đúng, tổ chức diệt chuột muộn khi cây lúa đã có đòng hoặc ngô đã ra bắp, lúc này trên đồng ruộng nguồn thức ăn rất phong phú do đó chuột ít ăn mồi hoặc hầu như không ăn mồi làm hiệu quả diệt chuột thấp.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra đối với lúa và cây trồng khác trong sản xuất năm 2016, góp phần bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp, giữ vững an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, bà con nông dân cần áp dụng một số biện pháp diệt trừ chuột như sau:

* Về thời gian tổ chức diệt chuột, bà con nông dân nên tổ chức làm 2 - 3 đợt theo đúng hướng dẫn nêu trong Kế hoạch diệt chuột vụ chiêm xuân năm 2016 của ngành Nông nghiệp đã ban hành. Trước mắt, đợt 1 tổ chức ngay từ đầu vụ trong tháng 1 năm 2016; đợt 2 khi lúa bắt đầu đẻ nhánh rộ trong khoảng từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3 năm 2016.

* Các biện pháp kỹ thuật: Áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật diệt trừ chuột bao gồm:

Biện pháp thủ công: Phát quang bờ, bụi rậm, gò đống làm mất nơi cư trú của chuột. Đào hang, đổ nước, hun khói, săn đuổi bắt chuột,... chú ý không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông nội đồng và các công trình thuỷ lợi. Những ruộng gần làng, gần đường, gần khu nghĩa trang,... thường xuyên bị chuột gây hại nặng, quây rào nilon xung quanh kết hợp đo rọ bắt chuột. Sử dụng các loại bẫy cặp, bẫy lồng, bẫy dính, bẫy ống... và chọn các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,... đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng để đánh bắt chuột.

Biện pháp sinh học: Sử dụng các loại bả sinh học để đánh chuột ví dụ như BCS, Biorat... để diệt chuột, đây là các loại bả thành phần chính có chứa vi khuẩn, khi chuột ăn phải sau thời gian ngắn sẽ mắc bệnh thương hàn và chết.

Biện pháp hoá học: Sử dụng một số loại thuốc diệt chuột nhóm chống đông máu, gây xuất huyết nội tạng thuộc hoạt chất Bromadiolone, Warfarin... ví dụ như thuốc Cat 0.25WP, Ranpart 2%D, Rat K 2% DP, Rat-kill 2% DP trộn thành bả, mồi nhử là thóc luộc nứt vỏ chấu, gạo, khoai lang, mộng mạ, cua, ốc, tép, đây là cách làm vừa rẻ tiền mà hiệu quả diệt trừ chuột rất cao và khá an toàn với người và vật nuôi. Liều lượng sử dụng 01 gói thuốc Ranpart 2%D hoặc Rat K 2%D trọng lượng 10 gam trộn với 4 - 5 lạng thóc đã luộc để làm mồi, sử dụng đánh cho 1 sào bắc bộ (360m2).

Do chuột là loài động vật đa nghi, có khả năng di chuyển xa để tìm thức ăn nên khu vực hoạt động gây hại lớn, do đó cần phải tổ chức diệt chuột đồng loạt, liên tục trong cả khu vực ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng và huy động sự tham gia của cả cộng đồng. Khi thực hiện diệt chuột bằng mồi, bả cần lưu ý: Nên đặt bả nơi có chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, kho tàng; những nơi chuột phá hại mạnh cần đặt tăng số lượng mồi bả và lượng bả trong 1 mồi; không đặt mồi, bả vào những ngày mưa sẽ làm giảm hiệu quả diệt chuột; Cần thông báo rộng rãi trong khu dân cư, tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột chôn cẩn thận đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phong trào nuôi mèo trong các hộ gia đình, bảo vệ các thiên địch như trăn, rắn, chim cú....

Th.s Nguyễn Quang Hưng

Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn