Người dân xã Kinh Kệ - huyện Lâm Thao trồng bí cho hiệu quả kinh tế cao
Các cụ ta thường có câu: “Cơm không rau như ốm đau
không thuốc”, nói như vậy để thấy được vai trò quan trọng của rau, củ, quả xanh
trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình. Đó chính là nguồn cung cấp các loại
vitamin cần thiết để đảm bảo cho mọi hoạt động của cơ thể mỗi con người. Trong xã hội hiện
đại, nhu cầu sử dụng rau, củ, quả xanh an toàn ngày càng trở nên bức thiết, đặc
biệt là vào dịp tết Nguyên đán, lễ hội…
Có rất nhiều người hiểu
rau an toàn là loại rau không phun thuốc sâu. Nhiều người trong quá trình lựa
chọn rau thường chọn những loại rau “xấu mã”, hoặc tốt nhất là chọn được những
mớ rau có sâu còn sống vì cho rằng: rau “xấu mã” hoặc có sâu còn sống là rau an
toàn vì không phun thuốc. Hiểu biết về “rau an toàn” như vậy là quá đơn giản và
không đầy đủ.
Vậy rau an toàn là gì? Đó là những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả
các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa, quả có chất lượng đúng như đặc tính giống của
nó, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức
tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, thì được
coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là "rau an
toàn".
Trong rau "an toàn", các chất sau đây chứa trong rau không được
vượt quá tiêu chuẩn cho phép:
1. Dư lượng hoá chất BVTV (thuốc sâu, thuốc cỏ,
kích thích sinh trưởng...).
2. Số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng gây
bệnh.
3. Dư lượng đạm nitrat (NO3).
4. Dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen, kẽm, đồng...).
Hai tiêu chuẩn thứ 3 và thứ 4 là tác nhân chính dẫn đến bệnh
ung thư, nó không gây tác hại tức thời mà tích luỹ nhiễm độc theo thời gian.
Nhưng khi đã phát hiện được thì khó chữa trị. Hai
tiêu chuẩn 1 và 2, ta thường hay gặp do việc sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh không
hợp lý, hoặc do sử dụng phân tươi để bón cho rau, nó dẫn đến ngộ độc đồng loạt hoặc
gây tiêu chảy và tiêu chảy
cấp cho người sử dụng.
Việc sản xuất rau an toàn
đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong cả quá trình sản xuất và phải có sự hướng dẫn của
cán bộ kỹ thuật đồng thời phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn theo quy định về đất
trồng, nước tưới, quy trình gieo trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, tiêu thụ sản
phẩm; người tham gia sản xuất RAT cũng phải qua lớp huấn luyện kỹ thuật sản xuất
RAT hoặc đã được đào tạo qua lớp IPM rau. Để sản xuất ra sản phẩm rau an toàn,
cần lưu ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:
Đất trồng RAT phải là loại
đất phù hợp với sinh trưởng, phát triển của các loại rau, đồng thời phải đảm bảo
không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và
các nguồn ô nhiễm khác. Tuyệt đối
không được trồng rau trên đất đã bị ô nhiễm vì như vậy sản phẩm rau sẽ có hàm
lượng tồn dư kim loại nặng như: chì, thuỷ ngân… rất cao; các chất này chính là
nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người tiêu dùng. Phải thường
xuyên hoặc đột xuất kiểm tra mức độ ô nhiễm đối với đất trồng RAT.
Việc
sử dụng phân bón trong sản xuất RAT phải đảm bảo đúng chủng loại, liều lượng,
thời gian bón, cách bón, thời gian cách ly theo quy trình cho từng loại rau.
Không sử dụng phân chuồng tươi, nước giải, phân chế biến từ rác thải sinh hoạt,
rác thải công nghiệp để bón trực tiếp cho rau vì như rậy rau rất dễ bị bệnh đồng
thời rất dễ tồn dư các sinh vật gây bệnh như giun đũa, giun tóc, khuẩn E.Coli
gây bệnh đường ruột… Tuyệt đối không được phép sử dụng phân đạm vượt tiêu chuẩn
vì sẽ dẫn đến lượng độc tố tích tụ trong rau rất cao, các chất này có thời gian
phân hủy lâu và là một trong những tác nhân gây ra bệnh ung thư, nguy hiểm cho
người tiêu dùng.
Nguồn
nước tưới cho RAT phải đảm bảo là nước sạch như: nước sông có dòng chảy luân
chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch, không bị ô nhiễm. Tuyệt đối
không sử dụng nước bị ô nhiễm từ các nguồn nước thải công nghiệp, bệnh viện, nước
thải sinh hoạt chưa qua xử lý, nước
ao tù đọng… để tưới trực tiếp cho rau vì như vậy rau sẽ rất dễ tồn dư kim loại
nặng và vi khuẩn gây bệnh vượt ngưỡng cho phép. Nguồn nước tưới cho các vùng
RAT cũng phải được kiểm tra định kỳ và đột xuất như đối với đất trồng.
Về
kỹ thuật canh tác RAT: Khuyến khích bố trí công thức luân canh hợp lý giữa các
loài rau, giữa rau với cây trồng khác. Trồng xen giữa rau với các
cây trồng khác không tạo điều kiện để sâu bệnh phát sinh, phát triển. Khu vực
trồng RAT cần được thường xuyên vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu bệnh hại
và ô nhiễm khác. Đối với rau trồng theo công nghệ cao cũng phải thực hiện các
biện pháp vệ sinh tiêu độc và đảm bảo thời gian cách ly hợp lý giữa các trà, vụ
gieo trồng. Không được sử dụng các giống rau biến đổi gen (GMO) khi chưa có giấy
chứng nhận an toàn sinh học. Khuyến khích phát triển rau theo hướng thực hành
nông nghiệp tốt (GAP); khuyến khích xây dựng nhà lưới, nhà màn cách ly côn
trùng phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của mỗi loại rau và điều kiện sinh thái của
từng vụ, từng vùng, đặc biệt với các loại rau có giá trị kinh tế cao, rau trồng
trái vụ.
Về phòng trừ sâu bệnh: Cần
tăng cường áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ
các đối tượng sâu bệnh hại trên rau. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện
sớm các đối tượng sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời; Áp dụng biện pháp phòng
trừ thủ công, đặc biệt là các biện pháp bắt sâu, bắt bướm và diệt ổ trứng sâu
vào thời điểm thích hợp, tiêu huỷ các cây, bộ phận của cây bị bệnh; Đẩy mạnh áp
dụng các biện pháp phòng trừ sinh học, bảo vệ, nhân nuôi và phát triển thiên địch
trong các vùng rau; Trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc hoá học phải tuân
thủ nguyên tắc 4 đúng và tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly, ưu tiên sử dụng
các loại thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học, nhất là đối với các loại rau
ngắn ngày.
Về
thu hoạch bảo quản RAT: Rau an toàn phải thu hoạch đúng kỹ thuật, đúng thời điểm
để đảm bảo năng suất chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời phải đảm
bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân hóa học.
Sau khi thu hoạch phải được bảo quản bằng biện pháp thích hợp để giữ được hình
thái và chất lượng của sản phẩm.
Tóm lại, sử dụng rau an
toàn là một nhu cầu bức thiết không thể thiếu đối với người tiêu dùng. Để sản
phẩm rau ngày càng trở nên an toàn, người trồng rau cần tuân thủ những yêu cầu
kỹ thuật bắt buộc nêu trên trong quá trình sản xuất, không vì lợi nhuận mà làm ẩu.
Có như vậy thì chất lượng sản phẩm rau, củ quả xanh trên thị trường mới ngày
càng được cải thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế tối đa được các
vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, nhất là trong dịp tết Nguyên đán, lễ hội Đền Hùng sắp
tới./.
Nguyễn Quang
Hưng
Chi cục BVTV
Phú Thọ