Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phát hiện và nhận biết bệnh đạo ôn trên lúa vụ xuân 2016 tại Việt Trì
Hiện nay, trà lúa xuân sớm, xuân trung đang bước vào giai đoạn đẻ
nhánh rộ; trà lúa xuân muộn đang trong giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. Theo dự báo của trung tâm khí tượng
thủy văn, trong thời gian tới, thời tiết ấm dần, trời âm u, ẩm độ không khí cao,
là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn hại lúa phát
sinh gây hại. Đây là loại bệnh nguy hiểm, có tốc độ
lây lan nhanh do nấm Pyricularia
oryzae gây ra. Nấm bệnh đạo ôn tồn lưu trong rơm rạ, cây lúa, hạt lúa nhiễm
bệnh và một số loài cỏ dại (Cỏ lồng vực, đuôi phụng, cỏ chỉ,...). Bào tử nấm
gây bệnh đạo ôn rất nhỏ, phát tán nhờ nước và gió, khi gặp nước đọng trên lá sẽ
nảy mầm chui vào mô ký chủ phát triển thành sợi nấm và sau vài ngày thì biểu
hiện thành vết bệnh mới. Bệnh thường hại nặng trên những ruộng
lúa xanh tốt, bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, trên ruộng cấy các giống nhiễm như: Nếp, BC15, Xi23, X21, KD18, Q5,...
Bệnh đạo ôn có
thể gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa, chia
thành 3 dạng là đạo ôn lá, đạo ôn đốt thân và đạo ôn cổ bông. Giai đoạn lúa đẻ nhánh, bệnh thường hại
trên lá. Với những giống nhiễm, vết
bệnh đầu tiên giống vệt dầu nhỏ màu xanh, dần dần phát triển thành hình thoi,
rìa màu nâu đỏ, giữa bạc trắng, các vết bệnh này có thể liên kết với nhau thành
mảng lớn hình thù không rõ rệt, bị nặng có thể gây lá. Trên các giống kháng,
vết bệnh là những chấm nhỏ màu nâu hoặc viền nâu, tâm bạc trắng. Giai
đoạn lúa trỗ, bệnh hại trên đốt thân và cổ bông, đặc biệt là trên những ruộng
đã bị bệnh đạo ôn lá. Trên đốt thân,
vết bệnh lúc đầu là một đốm nhỏ màu nâu sau lớn rộng ra thành một vòng tròn bao
quanh đốt thân làm thân lúa lõm tóp lại, có màu đen và dễ mục gãy. Trên cổ
bông, ở phần cổ bông giáp tai lá, vết bệnh đầu tiên là những điểm nhỏ màu nâu
xám, sau to dần bao quanh cổ bông làm cổ bông bị héo; nếu nhiễm bệnh sớm sẽ làm
bông lúa bị bạc trắng hoặc lép lửng nhiều; trường hợp nhiễm bệnh muộn hoặc
nhiễm nhẹ, cổ bông không bị bệnh nhưng từng gié lúa có thể bị bệnh.
Để hạn chế tác
hại của bệnh đạo ôn hại lúa, bà con cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp
(IPM): Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, thu dọn tàn dư cây trồng, bón cân
đối NPK, không bón thừa đạm, thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh sớm và phòng trừ kịp thời. Nếu phát
hiện thấy ruộng bị nhiễm bệnh, bà con cần dừng bón các loại phân hóa học và
thuốc kích thích sinh trưởng, giữ mực nước trong ruộng từ 2 - 3 cm. Khi tỷ lệ lá bị nhiễm bệnh trên 5%, sử dụng các
loại thuốc hóa học có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam
đăng ký trừ bệnh đạo ôn hại lúa ví dụ như: Katana 20SC; Fu-army 30 WP; Kansui
21,2 WP; Sieubem 777 WP; ... pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Nếu ruộng bị nặng cần phun kép 2 lần cách
nhau 5 - 7 ngày, chú ý phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá để đạt hiệu quả
cao. Đến giai đoạn lúa trỗ,
những ruộng bị đạo ôn lá cần phun phòng đạo ôn cổ bông và đốt thân, tốt nhất
phun thuốc khi lúa bắt đầu thấp thoi trỗ nếu thời tiết âm u và có mưa ẩm kéo
dài./.
Kỹ
sư: Trần Mai Phương
Chi cục Bảo vệ thực vật