Thứ Bảy, 23/11/2024
Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) phòng trừ nhện hại bưởi
Gửi bài In bài

Đoan Hùng có 1.700 ha trồng cây bưởi đang sinh trưởng phát triển quả, đây là giai đoạn quyết định đến năng suất và phẩm chất quả. Nhằm tạo ra sản phẩm bưởi an toàn, mẫu mã đẹp, Trạm BVTV  huyện Đoan Hùng đã tích cực tuyên truyền và hướng dẫn bà con nông dân áp dụng IPM trong quản lý các đối tượng sâu bệnh hại trên cây bưởi nhất là nhóm nhện hại bưởi. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, hanh khô không có mưa như hiện nay, đối tượng nhện đã phát sinh gây hại mạnh trên các vườn bưởi, nhất là bưởi đặc sản.

Nhóm nhện gây hại bưởi thường có kích thước rất nhỏ, bao gồm nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng. Nhện có vòng đời rất ngắn, khả năng sinh sản cao, tạo nhiều thế hệ trong một năm, vì thế dễ bộc phát thành dịch trong một thời gian ngắn. Triệu chứng gây hại của các loài nhện như sau:

- Nhện đỏ: Gây hại tất cả các loại cây ăn quả có múi. Chúng sống ở mặt trên lá già, lá bánh tẻ, khi mật độ nhện cao nó sống cả ở mặt dưới lá, cành lộc non, quả. Nhện đỏ chích hút nhựa cây tạo thành các vết chấm nhỏ li ti màu trắng bạc hơi vàng. Lá, quả bị hại nặng trở nên có màu nâu đỏ, dễ bị rụng, cây còi cọc, không ra lộc.

- Nhện rám vàng tập trung chích hút dịch cây trên vỏ quả, làm vỏ quả biến màu, chuyển sang màu nám vàng, gây hiện tượng rám quả. Nhện rám vàng là nguyên nhân chính gây rám quả. Nơi rậm rạp thiếu ánh sáng thường bị hại nặng.

- Nhện trắng: Sống ở mặt dưới lá non, trong kẽ lá, búp ngọn non, quả. Bị hại thì lá non nhỏ, dày, màu hơi nhạt, phồng cứng hoặc quăn queo, đôi khi gây rám quả.

Để phòng trừ nhện hại hiệu quả trên cây bưởi, bà con nông dân lưu ý cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bao gồm: Bón phân cân đối, tưới nước đầy đủ hợp lý trong mùa nắng hanh khô để làm tăng ẩm độ vườn, chăm sóc cho cây khỏe, tăng sức chống chịu; thường xuyên tỉa cành tạo tán cho vườn bưởi thông thoáng; tích cực bảo vệ và lợi dụng các loại thiên địch tự nhiên của nhện; tiến hành tưới nước theo kiểu phun mưa để rửa trôi một phần nhện trên các bộ phận của cây; thường xuyên điều tra, phát hiện các loài nhện hại bưởi để tiến hành phòng trừ hiệu quả.  Khi phát hiện nhện hại với tỷ lệ trên 10% lá hại hoặc trên 10% quả bị hại, dùng một trong các thuốc có chứa hoạt chất: Propargite, Hexythiazox, Matrine, Diafenthiuron, Pyridaben, Abamectin,... (Ví dụ: Superrex 73EC, Kamai 730 EC; Dylan 2EC; Tasieu 1.9EC …) pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì … Chú ý sử dụng luân phiên thuốc để ngăn ngừa tính kháng thuốc của nhện đồng thời đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc./.

K.s Đỗ Chí Thành

Trạm BVTV huyện Đoan Hùng

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn