Cỏ tranh là một loài cỏ đa niên, mọc thành từng vạt lớn trên khu đất trống, dưới tán cây lâm nghiệp, trong công viên, trên bục phân cách hoặc ven đường bộ, đường sắt, sân golf, xen với cây trồng khác... Trong sản
xuất nông nghiệp, cỏ tranh là loài dịch hại "Cứng đầu" rất khó trị. Để giúp các cơ quan, tổ chức và nông dân hiểu và quản lý tốt loài cỏ "Cứng đầu" này, chúng
tôi xin giới thiệu đặc điểm sinh học, tác hại và biện pháp phòng trừ như sau:
| |
Ảnh: Bụi cỏ tranh trên khu đất trống, lá và hoa cỏ. |
Đặc điểm sinh học: Cỏ Tranh là loại cỏ sống lâu năm thuộc nhóm cỏ hòa bản,
có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Thân khí sinh cao 0,5 – 1,2m, thẳng, nhẵn, đốt thân có lóng mềm. Lá hẹp dài, mọc
đứng, cứng, gân nổi, mặt trên lá nhám, mặt dưới nhẵn, mép lá rất
sắc. Hoa tự hình chuỳ, màu trắng
sợi như bông, rất nhẹ nên có khả năng phát tán bằng hạt rất xa nhờ gió. Cỏ tranh có khả năng tái sinh mạnh, sinh trưởng nhanh, rất khó phòng trừ
nhờ đặc tính nhân giống hữu tính bằng hạt và vô tính từ chồi rễ. Với khả năng sinh sản hữu tính, hạt cỏ có thể phát tán rất xa nhờ gió, nhờ động vật chăn thả hoặc nông cụ của người dân làm đồng, từ đó xâm nhập vào vùng đất trống hoặc xen vào các vườn cây, vạt cỏ khác. Sau khi hạt cỏ đã xâm nhập, nảy mầm thì chúng phát triển và lan rộng nhanh thành từng bụi, vạt lớn nhờ khả năng sinh sản vô tính bằng chồi rễ.
Tác hại: Cỏ cạnh tranh với cây trồng
về không gian, dinh dưỡng, ánh sáng và độ ẩm. Cỏ tranh còn là nơi cư trú
hoặc ký chủ của
sâu hại và vi sinh vật
gây bệnh cho cây trồng
làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, gây khó khăn cho canh tác và tăng chi phí sản xuất.
Ngoài ra, cỏ tranh mọc xen lẫn hoa, cây cảnh
trong vườn hoa, công viên, bục phân cách hoặc
ven đường bộ, đường sắt, sân golf... làm giảm
mỹ quan đô thị và làm che khuất tầm nhìn.
Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp thủ công: Trước
khi tiến hành trồng cây, hoa, cần
làm đất tơi nhỏ, loại bỏ tất cả các đoạn thân rễ của các loài cỏ dại nói chung và cỏ tranh nói riêng. Có thể sử dụng màng phủ công nghiệp để che phủ mặt đất trong thời gian khoảng 1 tháng trước khi trồng để kiểm soát các loài cỏ dại không mong muốn. Thường xuyên xới xáo, tưới ẩm cho cây trồng phát triển; đào bỏ các chồi cỏ tranh mới mọc để hạn chế cỏ tranh mọc
thành bụi và lan rộng;
thường xuyên cắt tỉa, không để
cho cỏ tranh có cơ hội ra hoa, phát tán trên diện rộng. Đối với vườn hoa, công viên, sân golf, bục phân cách đường bộ cần lựa chọn và chăm
sóc cho loài cỏ, hoa phát triển nhanh, tạo độ che phủ 100% để hạn chế sự xâm nhập của hạt cỏ tranh phát tán theo gió.
Biện pháp hóa học:
Có thể sử dụng
một số loại thuốc trừ cỏ có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam chứa hoạt chất Glyphosate, ví dụ: Niphosate
160 SL, 480SL, 757SG, Newsate 480 SC, Banzote 76 WG, 480SL, Go
Up 480 SC, Higlyphosan
480SL, Kanup 480SL… để phun trừ theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Nhóm thuốc trừ có này cỏ hiệu quả cao và diệt trừ tận gốc loài cỏ tranh. Tuy
nhiên, nó có hạn chế là chết chậm (Sau phun 7 - 10 ngày), là thuốc trừ cỏ không chọn lọc nên có thể gây chết cả cây trồng và các loại cỏ khác khi tiếp xúc với thuốc. Vì vậy, khi phun cần dẫn hướng cho thuốc chỉ tiếp xúc với bụi cỏ tranh, hạn chế thuốc bay xa và tiếp xúc với cây trồng khác./.
Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ