Thứ Bảy, 23/11/2024
Kết quả triển khai mô hình IPM trên cây lúa, vụ mùa năm 2016
Gửi bài In bài
Tổng kết mô hình IPM trên lúa tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao vụ mùa 2016

Thực hiện Kế hoạch số 4848/KH-UBND, ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ về đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, vụ mùa năm 2016, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với UBND huyện Lâm Thao, Hợp tác xã Nông nghiệp & điện năng Thạch Vỹ triển khai mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Mô hình có quy mô diện tích 05 ha, với tổng số 82 hộ nông dân tham gia, triển khai ứng dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa từ khâu chọn giống đến biện pháp canh tác, quản lý sâu bệnh, cụ thể: Áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) bao gồm các biện pháp quản lý đất, quản lý dinh dưỡng và quản lý nước giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt; theo 5 nguyên tắc: Gieo mạ thưa 0,1 kg giống/m2, cấy mạ non 2,5 - 3 lá; cấy thưa 35 - 40 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm; làm cỏ sục bùn; rút nước luân phiên ở giai đoạn đẻ nhánh; bón phân cân đối, đúng thời điểm cây lúa cần và tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Thực hiện công tác điều tra sâu bệnh, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ trên các ruộng có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu.

Kết quả mô hình cho thấy, trong mô hình IPM, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây lúa, mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cũng thấp hơn so với đại trà, cho năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế tăng so với đại trà, cụ thể: Trong mô hình cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh sớm hơn tập quán 3 - 4 ngày, trỗ bông sớm hơn tập quán 3 ngày. Thời gian sinh trưởng của mô hình 105 ngày ngắn hơn thời gian sinh trưởng của tập quán 4 ngày; số dảnh hữu hiệu đạt 7,8 dảnh/khóm cao hơn so với tập quán 0,7 dảnh/khóm; số hạt/bông đạt 180 hạt, cao hơn tập quán 8 hạt/bông; số hạt chắc/bông của mô hình đạt 136 hạt, cao hơn tập quán 10 hạt/bông; năng suất mô hình đạt 210,3 kg/sào (58,48 tạ/ha), cao hơn tập quán 7,6 kg/sào (2,1 tạ/ha).

 Trong mô hình các đối tượng sâu bệnh gây hại ở mức độ nhẹ chủ yếu là sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân và bệnh khô vằn. Mật độ sâu cuốn lá, tỷ lệ dảnh héo do sâu đục thân và tỷ lệ bệnh khô vằn của mô hình ở các giai đoạn sinh trưởng đều thấp hơn so với ruộng làm theo tập quán. Ở giai đoạn lúa  làm đòng đến trỗ bông sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân gây hại mạnh nên trong mô hình đã tổ chức phun 02 lần thuốc BVTV phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân, còn tập quán tổ chức phun thuốc 3 lần. Kết quả hạch toán kinh tế của cho thấy mô hình IPM cho lãi là 365.100 đồng/sào (10.152.000 đồng/ha), cao hơn so với tập quán 53.800 đồng/sào (1.496.000 đồng/ha).

Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa tại huyện Lâm Thao bước đầu đã cho kết quả tốt, từ kết quả mô hình cho thấy, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là hướng đi đúng đắn nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng, tăng năng suất lúa, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Quang Hưng

Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn