Thứ Năm, 25/4/2024
Đánh giá kết quả triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè năm 2016
Gửi bài In bài
Hội nghị tổng kết mô hình IPM trên chè tại huyện Thanh Ba năm 2016

Phú Thọ là một trong 5 tỉnh có diện tích chè đứng đầu và là một trong 4 tỉnh có sản lượng chè sản xuất ra lớn nhất toàn quốc. Đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh đã có 16.301,6 ha, trong đó có 14.749,2 ha chè kinh doanh. Năng suất chè bình quân 10,321 tấn/ha/năm, sản lượng chè năm 2015 đạt 152,219 tấn. Thực hiện Kế hoạch số 4848/KH-UBND, ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ về đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, năm 2016, Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè tại xã Đồng Xuân - huyện Thanh Ba với tổng diện tích triển khai mô hình là 2 ha làm nơi tham quan, học tập kinh nghiệm để triển khai mở rộng trong thời gian tới.

Mô hình triển khai ứng dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè từ chăm sóc, đốn hái đúng kỹ thuật và quản lý sâu bệnh theo kết quả điều tra hệ sinh thái, cụ thể: Bón phân cân đối NPK, sử dụng phân vi sinh và chế phẩm sinh học để bổ sung các vi sinh vật cho đất, giúp cải tạo đất đai, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây chè, tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh; thực hiện thu hái bằng máy đúng kỹ thuật khi búp chè đạt tiêu chuẩn; trồng cây che bóng với mật độ thích hợp; phối hợp thực hiện điều tra sâu bệnh, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ trên những nương chè có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các thuốc đặc hiệu có trong danh mục được phép sử dụng trên cây chè, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học.

Kết quả triển khai cho thấy, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên chè làm cho cây chè sinh trưởng phát triển khỏe, hạn chế được các đối tượng sâu bệnh. Kết quả theo dõi sâu bệnh hại cho thấy, các đối tượng sâu bệnh trong mô hình IPM chủ yếu là rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh đốm xám, phát sinh gây hại với mức độ nhẹ đến trung bình và nhẹ hơn so với nương chè tập quán. Trong thời gian triển khai mô hình từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2016, nương chè áp dụng  IPM chỉ phun 2 lần thuốc BVTV vào thời điểm ngày 20/5 trừ bọ cánh tơ và ngày 18/6 trừ nhện đỏ gây hại vượt ngưỡng. Còn nương chè làm theo  tập quán phun 5 lần, cụ thể: ba lần phun trừ bọ cánh tơ vào các ngày 13/5, 20/5 và 30/6; một lần phun trừ nhện đỏ vào ngày 18/6; 01 lần phun trừ bọ xít muỗi vào ngày 16/9. Qua đó cho thấy, việc ứng dụng IPM trên nương chè giúp cây chè sinh trưởng phát triển khỏe, bảo vệ được thiên địch nên số lần phun thuốc BVTV giảm 03 lần so với tập quán, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè do được áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác từ việc bón phân cân đối giữa phân hóa học và phân vi sinh bón gốc, quản lý sâu bệnh theo điều tra hệ sinh thái, trồng cây che bóng với mật độ thích hợp đã thúc đẩy cây chè sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, cụ thể: Chiều cao cây chè tăng 9,8 cm, cao hơn so với tập quán 0,3cm; độ rộng tán chè tăng 11,8cm, cao hơn so với tập quán 2,6 cm; chiều dài búp chè khi thu hoạch đạt trung bình 15,96cm, cao hơn so với tập quán 0,3cm; mật độ búp khi thu hoạch đạt 191 búp/khung, cao hơn tập quán 17 búp/khung; khối lượng 1.000 búp đạt 628,8 gam, cao hơn tập quán 18 gam. Tổng năng suất mô hình IPM trong 5 lứa hái (từ tháng 4 đến tháng 10) đạt 24.524,7 kg/ha, cao hơn so với tập quán 3.202,8 kg/ha, tương đương tăng năng suất 15% một năm (tổng năng suất nương chè tập quán đạt 21.321,9 kg/ha/năm). Kết quả hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho lãi 52.705.042 đồng/ha, cao hơn tập quán 8.423.944 đồng/ha (tăng 19%), nương chè tập quán cho lãi 44.281.097 đồng/ha.

Từ những kết quả khả quan của mô hình (IPM) trên cây chè tại huyện Thanh Ba cho thấy, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là một hướng đi đúng đắn nhằm giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh, tăng hiệu quả sản xuất đồng thời sản xuất ra sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng, mang lại lợi nhuận kinh tế cao./.

 

Đỗ Thị Nguyên Ngọc

Chi cục Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn