Thứ Sáu, 26/4/2024
Phòng chống bệnh sinh lý cho mạ và lúa xuân mới cấy
Gửi bài In bài
Gieo mạ tập trung theo SRI (vụ xuân 2016 tại Tứ Xã - Lâm Thao)

Trong thời gian triển khai gieo mạ, chăm sóc và cấy lúa trà xuân trung thời tiết khá thuận lợi, chưa có rét đậm, rét hại xảy ra. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế đồng ruộng đã có những diện tích mạ và lúa mới cấy bị bệnh sinh lý. Đây là loại bệnh rất hay gặp trong vụ xuân, khi bị bệnh cây mạ thường úa vàng, còi cọc, rễ thối đen, có thể gây chết từng chòm mạ; bệnh hại trên lúa có triệu chứng chủ yếu là cây lúa sinh trưởng phát triển không bình thường, lá úa vàng, đầu chót lá khô đỏ, trên lá thường xuất hiện những vết bệnh đốm nâu, biểu hiện trên lá già trước. Khi bệnh nặng, rễ lúa có màu đen, mùi hôi thối hoặc chua, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh kém, những diện tích bị nặng còn có hiện tượng thối thân, thối bẹ, nếu không được khắc phục kịp thời, ruộng lúa có thể bị chết hàng vạt lớn, có khi chết cả ruộng. Bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây lúa và làm giảm năng suất rõ rệt.

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sinh lý trên mạ, lúa là do trong đất thiếu ô xy, đặc biệt ruộng làm đất không kỹ, bón phân hữu cơ chưa hoai mục, phân xanh không ủ hoặc ruộng trũng hẩu, yếm khí. Trên những luống mạ không san phẳng mặt luống, để nước ứ đọng; trên những ruộng cấy nước sâu, úng ngập liên tục, nước ứ đọng lâu ngày không tháo được cũng dễ gây tình trạng thiếu oxy, tích tụ nhiều khí độc làm tăng độ chua của đất ảnh hưởng đến sự hô hấp và sinh trưởng của bộ rễ, làm rễ thối đen và không phát triển, khả năng hút chất dinh dưỡng giảm làm cho cây lúa thiếu dinh dưỡng; ngâm ủ mạ và gieo cấy không đúng kỹ thuật, cấy sâu tay, cấy mạ già, thiếu phân bón lót đặc biệt là thiếu phân hữu cơ hoai mục và phân lân nên bệnh sinh lý dễ phát sinh, phát triển.

Để khắc phục và hạn chế bệnh sinh lý, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật để phòng bệnh như sau:

Đối với mạ xuân: Thực hiện ngâm ủ giống đúng quy trình kỹ thuật, chú ý định kỳ thay nước 2 - 3 lần/ngày để khử chua trong quá trình ngâm ủ; thực hiện gieo đúng khung lịch thời vụ. Đối với trà xuân muộn gieo thưa với lượng 0,5 - 0,7 kg thóc giống trên 5 - 7 m2 đất mạ làm cho cây mạ to gan, đanh dảnh; bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục, phân lân, làm phẳng mặt luống đồng thời giữ đủ nước trong ruộng mạ, chủ động phòng chống rét cho mạ bằng cách che phủ nilon. Đối với ruộng mạ, cần giở nilon 2 đầu vào những ngày trời ấm để thoát bớt khí độc; tiến hành tháo nước tràn qua mặt luống để rửa chua sau đó bón bổ sung phân chuồng hoai mục và supe lân để tăng khả năng hồi phục của bộ rễ.

Đối với lúa cấy: Áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) đối với trà xuân muộn. Tiến hành làm đất kỹ, bón vôi bột từ 15 đến 20 kg/sào khi cày ải, bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục 200 - 300 kg/sào, phân lân 20 kg/sào khi bừa cấy nhằm giảm độ chua trong đất. Cấy nông tay, thẳng hàng; cấy mật độ 30 - 35 khóm/m2, 1 dảnh/khóm đối với lúa lai; mật độ 30 - 35 khóm/m2, 1 - 2 dảnh/khóm đối với lúa thuần; duy trì đủ lượng nước trong ruộng nhằm chống rét cho lúa để hạn chế bệnh sinh lý; tiến hành chăm sóc, bón phân, làm cỏ sớm khi thời tiết ấm; không cấy và bón thúc đẻ vào những ngày trời rét, nhiệt độ dưới 150C, khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh tháo kiệt nước phơi vài ba ngày, nếu ruộng trũng không thể tháo được nước thì phải bón thêm vôi bột và phân chuồng hoai mục; tăng cường làm cỏ sục bùn kết hợp sử dụng các chế phẩm phun bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như: XO Sogan Siêu ra rễ, XO Siêu lân, … . Nếu ruộng bị nặng sử dụng thuốc Antracol 70WP phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. Khi cây lúa hồi xanh trở lại, ra rễ mới thì tiến hành chăm sóc bình thường./.

Th.s: Trần Thị Quỳnh Nga

Chi cục BVTV Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn