Thứ Sáu, 26/4/2024
Kỹ thuật diệt chuột tập trung bằng thuốc hóa học
Gửi bài In bài
Cán bộ Chi cục BVTV hướng dẫn nông dân xã Tử Đà, huyện Phù Ninh phối trộn mồi bả và tổ chức diệt chuột tập trung

Từ vụ đông năm 2016 đến nay, nhiệt độ trung bình hàng tháng cao hơn trung bình nhiều năm, có tháng cao hơn tới trên 3 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN). Cây trồng sinh trưởng khá nhanh và thuận lợi, nhưng cũng là điều kiện cho chuột sinh sản thuận lợi và bùng phát về số lượng, có nguy cơ gây hại nặng đối với sản xuất nông nghiệp nếu không có biện pháp khống chế hợp lý.

Theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, thời gian vừa qua, các địa phương đã tích cực chỉ đạo triển khai diệt chuột Đợt 1 năm 2017. Kết quả, toàn tỉnh đã tiêu diệt được gần 350 nghìn con chuột bằng biện pháp thủ công; Số tiền chi hỗ trợ diệt chuột đợt 1 là 140.256.000 đồng. Đàn mèo tiếp tục được duy trì, nhân nuôi với số lượng hiện có là 118.282 con.

Đến thời điểm này, chuột đã di chuyển và gây hại trên đồng ruộng, mức độ nhẹ đến trung bình tại các huyện, thành, thị. Đây cũng là giai đoạn cây lúa đang đẻ nhánh rộ, nguồn thức ăn trên đồng ruộng chưa nhiều, chủng loại thức ăn chưa phong phú, nên chuột tăng cường hoạt động tìm kiếm thức ăn. Do đó diệt chuột tập trung Đợt 2 bằng sử dụng mồi bả sẽ mang lại hiệu quả diệt trừ cao.

Về các loại thuốc sử dụng: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc để nông dân lựa chọn. Để sử dụng thuốc có hiệu quả, bà con nên dùng một số loại thuốc có hoạt chất Warfarin .... ví dụ như thuốc Cat 0.25WP, Ranpart 2%DS, Rat K 2%D, Rat-kill 2% DP vì thuốc này có hoạt chất chống đông máu, gây xuất huyết nội tạng. Đây là những loại thuốc diệt chuột rất hiệu quả và an toàn với con người và động vật máu nóng; Hoặc một số hoạt chất khác như: Bromadiolone Ví dụ: Biorat, Killrat,...

Về kỹ thuật phối trộn mồi bả: Có thể sử dụng các loại mồi như thóc luộc, khoai lang, mộng mạ, cua, ốc, tép,... nhưng tốt nhất là nên sử dụng mồi bằng thóc luộc vì chuột ưa thích, sẵn có, dễ làm. Thóc được ngâm trước 1 - 2 tiếng, sau đó luộc cho đến khi nứt vỏ trấu (hở hạt gạo), đổ ra để nguội và ráo nước thì trộn đều với thuốc. Tỷ lệ trộn thuốc: Cứ khoảng 3 lạng thóc khô sau khi luộc sẽ được 5 lạng thóc luộc và trộn đều với 1 gói thuốc 10 gam (Các loại thuốc nêu trên). Nếu đánh chuột tập thể trộn nhiều mồi, cần rải thóc luộc trên nilon hay bạt dày khoảng 5cm, sau đó rắc đều thuốc theo tỷ lệ nêu trên và trộn đều rồi chia ra các túi nhỏ để đem đi đánh chuột. Sử dụng trung bình 1 lạng thóc đã trộn bả chia thành 6 - 8 phần đặt cho 1 lần trên 1 sào bắc bộ.

Về kỹ thuật đặt bả:

- Vị trí đặt bả: Nên đặt bả đồng thời cả trong nhà, kho tàng và ngoài đồng ruộng để tăng hiệu quả diệt chuột. Đối với đặt bả ngoài đồng ruộng, nên đặt bả lên trên những vật liệu có sẵn, dễ tìm như lá khoai nước, lá chuối khô,...sau đó đặt trên bờ ruộng, bờ kênh, mương, đồi gò, nghĩa trang,...  những nơi có lối chuột đi hay có bước chân của chuột đi lại hoặc gần những nơi chuột đang phá hại. Lưu ý: đặt bả làm sao để không bị ngập nước. Đối với địa điểm đặt bả trong nhà, kho tàng và ngoài đồng trong điều kiện thời tiết gặp mưa nên sử dụng túi nilon mỏng để đựng bả, đặt những nơi có chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại; những nơi chuột phá hại mạnh cần đặt tăng số lượng mồi bả và lượng bả trong 1 mồi. Chuột sẽ tự cắn thủng túi nilon để lấy mồi bả ăn mà không bị ảnh hưởng chất lượng do gặp mưa.

- Về thời gian đặt bả: Đặt bả ngoài đồng vào xế chiều, kết thúc trước khi trời tối. Nếu đặt bả trong khu dân cư nên đặt vào chập tối, sáng sớm thu lại. Sau khi triển khai đánh chuột tập trung từ 5 đến 7 ngày, nên tổ chức thu gom mồi bả dư thừa, xác chuột chết để xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường./.

Nguyễn Quang Hưng

Phòng Kỹ thuật - IPM

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn