Thứ Bảy, 23/11/2024
Cần phòng trừ sớm bệnh đạo ôn hại lúa chiêm xuân
Gửi bài In bài
Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV điều tra sâu bệnh định kỳ tại huyện Phù Ninh

Vụ chiêm xuân 2016 - 2017, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 36.968 ha, bằng 101,3% so với kế hoạch. Hiện nay, các trà lúa chiêm xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến làm đòng, điều kiện thời tiết đang diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho cây lúa phát triển. Tuy nhiên, Từ cuối tháng 2 cho tới nay, do ảnh hưởng của 2 đợt không khí lạnh, nhiều ngày trời có mưa nhỏ, âm u, thỉnh thoảng có những ngày hửng nắng. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Qua điều tra cho thấy bệnh đạo ôn đã xuất hiện rải rác, chủ yếu ở trà xuân trung ở hầu hết các huyện, thành, thị; tỷ lệ lá bị hại phổ biến  0,1 - 0,7%, cao 1 - 2%, cục bổ chòm, ổ 3 – 5 % (tại Sơn Vy – Lâm Thao; Mỹ Lung,  Xuân Viên - Yên Lập,...), thời gian phát sinh bệnh đạo ôn sớm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh đạo ôn có tốc độ lây lan nhanh; đến giữa tháng 4, nhiều diện tích lúa xuân trung sẽ trỗ, nếu bệnh hại cổ bông sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng. Do đó cần chủ động phòng trừ ngay cho đến trước thời điểm các diện tích lúa trỗ bông.

Cần hết sức lưu ý tới những ruộng, khu đồng đã xuất hiện vết bệnh đạo ôn, những cánh đồng đã bị đạo ôn từ vụ trước, những ruộng cấy các giống nhiễm (Nếp, Xi23, X21, BC15, Nghi hương 2308, KD18, Q5,....), những ruộng hẩu, thừa phân, lá mướt để kịp thời phát hiện và xử lý.

Khi phát hiện ra bệnh đạo ôn gây hại, cần dừng bón các loại phân hoá học nhất là những loại phân bón có chứa nhiều đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng, giữ mức nước trong ruộng 2 - 3 cm. Khi trên ruộng có vết bệnh mới mà trong điều kiện thời tiết âm u, ẩm độ không khí cao thì tiến hành phun phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh đạo ôn đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam ví dụ như thuốc: Sako 25WP, Funhat 40WP, Fu-army 30WP, Katana 20SC, Sieubem 777WP,...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Nếu ruộng bị nặng phải phun kép (2 lần), cách nhau 5 - 7 ngày, chú ý phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá. Khi lúa vào giai đoạn trỗ bông, nếu thời tiết âm u hoặc có mưa ẩm kéo dài, những ruộng đã bị đạo ôn lá cần phun phòng đạo ôn cổ bông, tốt nhất phun thuốc khi lúa bắt đầu thấp tho trỗ./.

Th.s Trần Mai Phương

Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn