Thứ Ba, 10/9/2024
Tập trung phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân cuối vụ
Gửi bài In bài
Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV điều tra sâu bệnh hại trên đồng ruộng

Vụ chiêm xuân năm 2016  – 2017 diễn ra trong điều kiện thời tiết ấm hơn so với TBNN từ 2 – 3 độ C. Nhiều diện tích lúa được nông dân gieo cấy trước khung lịch thời vụ, cây lúa sinh trưởng phát triển khá nhanh, đồng thời một số đối tượng dịch hại cũng phát sinh gây hại sớm hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, trên đồng ruộng đang xuất hiện một số đối tượng dịch hại như: bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, rầy các loại,…  Tính đến ngày 25/4/2017, toàn tỉnh đã có trên 25 nghìn ha lúa trỗ, chiếm 68% tổng diện tích gieo cấy. Đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại. Trong khi đó, thời tiết vẫn đang diễn biến bất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh, có thể ảnh hưởng lớn tới năng suất. Do đó, từ nay đến cuối vụ, bà con nông dân cần cần tập trung phòng trừ một số đối tượng sau:

- Đối với bệnh Bạc lá – đốm sọc vi khuẩn: Hiện tại, bệnh đã phát sinh 242 ha và gây hại nhẹ ở nhiều huyện (Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Ba, Thanh Thủy, Thanh Sơn), tỷ lệ bệnh phổ biến 1,6 - 9,2%, cao 11,2 - 18%. Trong thời gian tới, điều kiện thời tiết nắng nóng và có mưa giông, bệnh sẽ phát triển và lây lan rất nhanh, đặc biệt trên những ruộng có bộ lá xanh tốt, lá rậm rạp, ruộng bón thừa đạm, cây lúa có bản lá to mềm, cấy các giống nhiễm như Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, GS9,.... khi phát hiện ruộng bị bệnh, cần cần dừng bón các loại phân bón hóa học, thuốc KTST, chú ý giữ nước trong ruộng từ 3 - 5cm. Tiến hành phun phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP, ...).

- Đối với bệnh Khô vằn: Hiện tại, bệnh đã phát sinh gây hại ở hầu hết các huyện. Tỷ lệ hại phổ biến 3,2 - 9%, cao 12 - 33,9%, cục bộ 41,3 - 48%. Diện tích nhiễm 7.053,3 ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ 4.596,8 ha, nhiễm trung bình 2.033,6 ha, nhiễm nặng 422,9 ha (Thanh Ba, Cẩm Khê, Lâm Thao, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Thủy). Bệnh hại nặng hơn trên ruộng cấy dày, lá xanh tốt rậm rạp, bón đạm muộn. Thời tiết nắng mưa xen kẽ là điều kiện thích hợp cho bệnh lây lan, phát triển nhanh, gây hại mạnh. Để phòng trừ bệnh Khô vằn này hiệu quả bà con cần áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); Khi ruộng bị bệnh cần giữ nguyên mức nước trên ruộng, dừng bón phân hoá học, phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Khi có trên 20% dảnh bị bệnh, đặc biệt là khi vết bệnh lây lan lên 3 lá trên cùng thì phải tiến hành phun phòng trừ. Có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV ví dụ như: Cavil 50WP, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL, Chevil 5SC,... pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

- Đối với Rầy các loại: Hiện tại, rầy phát sinh rải rác tại tất cả các huyện, thành, thị. Mật độ rầy phổ biến 44 - 150 con/m2, cao 200 - 560 con/m2, cục bộ 1160 - 1700 con/m2 (Lâm Thao, Việt Trì); Phát dục chủ yếu tuổi 1,2 và trưởng thành. Mật độ trứng rầy 25 - 60 ổ/m2, 120 - 240 ổ/m2, cục bộ  800 ổ/m2 (Cá biệt ruộng 1.266 ổ/m2 Xã Tiên Kiên - Lâm Thao). Diện tích nhiễm 97,9 ha. Thời gian tới, thời tiết nóng ẩm, có mưa rào, Rầy sẽ tiếp tục tích lũy và gia tăng mật độ, gây hại trên các trà lúa, có thể gây cháy chòm, cháy ổ từ giai đoạn lúa chín sáp trở đi. Để phòng trừ Rầy bà con cần lưu ý áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 (30 - 40 con/khóm) cần tiến hành phòng trừ bằng các thuốc trừ rầy đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam: Giai đoạn lúa non đến chín sữa, sử dụng các loại thuốc có tác dụng nội hấp, lưu dẫn, phun không cần rẽ băng  (Ví dụ: Babsac 600 EC, Superista 25EC, Victory 585 EC, Rockfos 550 EC, Hichespro 500WP, ...). Giai đoạn chín sáp trở đi, sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc mạnh, khi phun nhất thiết phải rẽ băng rộng từ 1 – 1,2 mét, phun kỹ vào gốc lúa (Ví dụ: Excel Basa 50EC, Nibas 50EC, ...).

Bên cạnh các đối tượng sâu bệnh hại trên, cần đề phòng bệnh Đạo ôn gây hại trên cổ bông trên các diện tích đã nhiễm Đạo ôn lá từ kỳ trước, trên các giống nhiễm như Nếp, J02, BC15, Xi23, X21, HT1, KD18,... Ngoài ra, cần đề phòng bệnh lem lép hạt gây hại đối với những diện tích lúa trỗ gặp mưa ẩm kéo dài; sâu đục thân hai chấm đối với diện tích trỗ sau 30/4, bọ xít dài,...

KS. Bùi Thị Việt Oanh

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn