Thứ Bảy, 23/11/2024
Trạm BVTV Đoan Hùng: Hướng dẫn nhận biết phòng trừ ruồi đục quả bưởi theo IPM
Gửi bài In bài
Người dân xã Chí Đám – huyện Đoan Hùng sử dụng bẫy bả tiêu diệt trưởng thành ruồi đục quả bưởi

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cây bưởi đang trong giai đoạn phát triển quả. Các giống bưởi ngọt như bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn quả đã cơ bản ổn định về kích thước, bắt đầu chuyển sang giai đoạn tích luỹ và chuyển hoá về chất lượng quả. Các đối tượng sâu bệnh thường gặp như bệnh chảy gôm, bệnh sẹo, loét, rệp, ... Ngoài ra, có một đối tượng cũng rất phổ biến đó là Ruồi đục quả (hay còn được gọi là Dòi đục quả). Chúng được xác định là đối tượng dịch hại ảnh hưởng lớn tới năng suất và doanh thu của người trồng bưởi trong giai đoạn này.

Qua kết quả điều tra của Trạm Bảo vệ thực vật Đoan Hùng cho thấy, ruồi đục quả đã phát sinh gây hại trên các vườn bưởi, tỷ lệ quả hại phổ biến 0,8 – 1,6%, cao là 2,4%. Thời gian tiếp theo, ruồi đục quả sẽ tiếp tục phát triển và gây hại, vì vậy các hộ trồng bưởi cần quan tâm và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để không làm giảm năng suất, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Ruồi đục quả không chỉ châm vào quả gây rụng quả mà còn là môi giới truyền bệnh nguy hiểm (bệnh do nấm, vi khuẩn và virus). Thời kỳ quả gần chín, ruồi tập trung nhiều dưới tán lá, đậu trên mặt quả. Chúng dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả và đẻ trứng tại đó. Các vết chích của ruồi lúc đầu to bằng đầu kim hơi lõm xuống (chấm đen nhỏ), sau 2 - 3 ngày vết chích to dần và có màu nâu sẫm dễ nhìn thấy bằng mắt thường. Sau khi ruồi cái đẻ trứng, chỉ sau vài ngày trứng nở ra thành sâu non (ấu trùng; dòi); Dòi nở ra đục sâu vào trong quả và gây hại. Chúng đục thành nhiều đường vòng vèo khác nhau gây thối quả và rụng quả. Thường mỗi quả có nhiều ấu trùng dạng dòi nên mức độ gây hại là rất lớn. Từ vết đục, vi khuẩn, nấm có thể xâm nhập vào quả gây bệnh thối quả và rụng hàng loạt.

Để phòng trừ Ruồi đục quả theo IPM, hộ trồng bưởi cần áp dụng:

- Biện pháp canh tác: Bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán hợp lý để vườn bưởi thông thoáng, vệ sinh vườn bưởi, thu nhặt quả bị hại đem tiêu hủy để diệt dòi.

- Biện pháp thủ công: Sử dụng túi chuyên dùng bao quả từ sau thời kỳ rụng quả sinh lý đợt 2 trở đi (tháng 5-6); thu hoạch quả chín kịp thời để tránh hấp dẫn ruồi đến đẻ trứng.

- Sử dụng các chế phẩm bẫy bả dẫn dụ để tiêu diệt ruồi trưởng thành: Đây là biện pháp có hiệu quả và an toàn, quả bưởi không tiếp xúc trực tiếp với thuốc, nhưng để hiệu quả cần làm đồng loạt, tập trung trong vùng trồng bưởi. Thời điểm đặt bả tập trung thường từ tháng 7 trở cho đến khi quả chín. Có thể mua dụng cụ bẫy bán sẵn trên thị trường hoặc tự chế bằng cách dùng chai nhựa màu vàng, khoét 2 - 4 lỗ nhỏ hình chữnhật, dùng dây thép buộc bông đã thấm thuốc đưa vào đáy chai, đầu kia của dây thép đâm thủng đáy chai, treo lên cành bưởi. Hoặc sử dụng loại thuốc dẫn dụ có keo bám dính phun lên các vật liệu, chai màu vàng. Khoảng cách 20 - 25m (5 – 6 cây) đặt 1 bẫy.

- Khi áp dụng các biện pháp trên mà ruồi vẫn gây hại ở mật độ cao thì có thể dùng thuốc BVTV để phun phòng trừ, nhưng khi thực hiện cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly. Có thể sử dụng các loại thuốc BVTV được đăng ký trong danh mục, chứa hoạt chất: Abamectin, Petroleum oil, Methyl Eugenol, Imidacloprid, Propoxur, Dibrom, … Ví dụ: Tungatin 1.8EC, Nimbus 1.8EC, Soka 25EC, Acdruoivang 900SL, Vizubon P, Vizubon D, Ruvacon 90SL, Ento – Pro 150SL, … sử dụng theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì.

Đỗ Chí Thành – Trạm BVTV Đoan Hùng

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn