Cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV hướng dẫn kỹ thuật diệt chuột tập trung tại xã Tiên Kiên - huyện Lâm Thao vụ xuân 2018
Vụ xuân 2018, toàn tỉnh gieo cấy được 35,6 nghìn ha, trên
4,2 nghìn ha ngô, trên 2,5 nghìn ha cây rau,... Thời điểm
này, toàn bộ diện tích lúa chiêm xuân đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ
nhánh rộ, trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng dịch hại, trong đó chuột
hại có khả năng sinh sản nhanh và có nguy cơ gây hại nặng đối với sản xuất nông
nghiệp. Theo phát động của Sở Nông nghiệp và PTNT đợt diệt chuột tập trung trên
toàn tỉnh được triển khai từ ngày 25/02 đến 15/3/2018 trong giai đoạn lúa đẻ
nhánh rộ.
Ông Nguyễn Trường Giang – Phó chi cục Trưởng
Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Sau tết Nguyên đán đến nay thời tiết nắng ấm,
thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, đẻ nhánh; đồng thời chuột từ các gò đồi,
kênh mương, vườn nhà, khu dân cư đã di chuyển ra đồng ruộng tìm kiếm thức ăn và
gây hại. Do mới là đầu vụ, nguồn thức ăn trên đồng ruộng chưa nhiều, chủng loại
thức ăn chưa phong phú, nên diệt chuột bằng mồi bả đồng loạt từ trong khu dân
cư đến ngoài đồng trong thời gian này sẽ đem hiệu quả cao. Bên cạnh công tác tuyên
truyền, hướng dẫn triển khai diệt chuột tập trung, Chi cục đã phối hợp với một
số địa phương triển khai mô hình diệt chuột tập trung với quy mô toàn xã.
Là một trong 3 điểm triển khai mô hình diệt chuột tập trung của Chi cục
Bảo vệ thực vật, ông Văn Mạnh Thắng – Phó chủ tịch UBND xã Thạch Khoán, huyện
Thanh Sơn chia sẻ: Sau khi được lựa chọn là xã triển khai mô hình, chúng tôi rất
phấn khởi vì năm nào ở xã chuột cũng gây hại đáng kể cho sản xuất, hơn nữa triển
khai đồng loạt với quy mô toàn xã chắc chắn sẽ tiêu diệt được rất nhiều chuột.
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, thuốc
diệt chuột từ Chi cục, địa phương và người dân chúng tôi góp thóc. Mồi bả được làm tập trung và cấp đến từng khu
dân cư, hộ gia đình để triển khai đánh đồng loạt trong cùng một thời điểm.
Đối với thuốc diệt chuột, hiện nay trên thị trường có một số loại thuốc có hoạt chất Warfarin (chống
đông máu) an toàn với con người và động vật máu nóng..... ví dụ như thuốc Cat 0.25WP, Ranpart
2%DS, Rat K 2%D, Rat-kill 2% DP; hoặc một số hoạt
chất khác như: Bromadiolone Ví dụ: Biorat, Killrat..... để
phối trộn mồi bả diệt chuột.
Về Kỹ Thuật làm bả: Bà con có thể sử dụng mộng thóc, mộng ngô hay các loại mồi nhử
như thóc luộc, khoai lang, mộng mạ, cua, ốc, tép để phối
trộn mồi bả đánh chuột. Tuy
nhiên, để diệt chuột hiệu quả cao bà con nên dùng thóc để luộc rồi
phối trộn thành mồi bả. Thóc được ngâm khoảng 2 tiếng rồi cho vào luộc đến khi nứt vỏ trấu, sau
đó để nguội và ráo nước, rải đều ra bạt. Cứ 30 kg thóc khô sau khi luộc thì được
50 kg thóc luộc nứt vỏ trấu rồi trộn với 1 kg thuốc. Tuỳ mức độ hại của chuột
mà lượng mồi bả sử dụng khác nhau, thường với diện tích 1ha một lần đặt sẽ dùng
hết 3-5 kg mồi bả (tiền thuốc và thóc chi phí cho 01 ha cho một lần chỉ từ 60-70
nghìn đồng).
Kỹ thuật đặt bả: Bà con đặt bả lên trên lá khoai nước, lá chuối khô sau đó đặt trên bờ ruộng,
bờ kênh, mương, đồi gò, nghĩa trang,...
những nơi có lối chuột đi hay có bước chân của chuột đi lại hoặc gần những
nơi chuột đang phá hại. Lưu ý: đặt bả không bị ngập nước. Để đề phòng trời mưa bà con có thể cho bả
vào túi nilon mỏng, buộc hở miệng túi sau đó đặt trên bờ ruộng. Đối với địa điểm đặt bả trong nhà,
kho tàng, nên đặt những nơi có chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại; những nơi chuột phá hại mạnh cần đặt tăng số điểm đặt bả và lượng mồi bả. Về thời gian đặt bả: Đặt bả
ngoài đồng vào xế chiều, kết thúc trước khi trời tối. Nếu đặt bả trong khu dân
cư vào chập tối, sáng sớm thu lại.
Sau thời gian đặt bả, cần tổ chức thu gom mồi bả dư
thừa, xác chuột chết để xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích phát triển đàn mèo, bảo vệ các
thiên địch của chuột như rắn, chim cú,... để đạt hiệu quả cao nhất./.