Thứ Bảy, 23/11/2024
Nhận biết bệnh Vàng lụi hại lúa và chủ động phòng trừ
Gửi bài In bài
Cán bộ Chi cục BVTV bắt Rầy để giám định mẫu bệnh

Bệnh Vàng lụi lúa hay còn gọi là Vàng lá di động do virus Rice yellow stunt virus (RYSV) hay Rice transitory yellowing virus (RTYV) gây nên và Rầy xanh đuôi đen là môi giới truyền bệnh. Khi bị nhiễm bệnh, cây lúa sinh trưởng và phát triển kém như đẻ nhánh kém, bông ngắn, ít hạt, tỷ lệ đen lép cao ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.

Vụ mùa năm 2017, bệnh Vàng lụi đã xuất hiện rải rác ở một số huyện, xã trên địa bàn tỉnh, tuy ở quy mô và mức độ nhẹ nhưng bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không kiểm soát tốt. Đồng thời, triệu chứng bệnh ban đầu rất khó phát hiện vì hay nhầm lẫn với hiện tượng nghẹt rễ sinh lý, một triệu chứng điển hình ở vụ mùa, nhất là đối với những ruộng cày vùi rơm rạ khi làm đất, ruộng trũng hẩu, bón phân chuồng chưa hoai mục. Mặc dù vậy cũng có những điểm khác biệt về triệu chứng của hai bệnh đó là: i) Đối với hiện tượng nghẹt rễ sinh lý thì bộ rễ bị thối đen hoặc rễ mới không phát sinh, còn bệnh Vàng lụi khi ở giai đoạn đầu bộ rễ ít bị ảnh hưởng có thể vẫn thấy phát triển bình thường. ii) Hiện tượng nghẹt rễ sinh lý sẽ vàng đều cả ruộng lúa (tuỳ mức độ mà vàng nhiều hay vàng ít), đỉnh lá đỏ khô hoặc vàng đậm hoặc vàng đỏ, vàng ở lá phía dưới trước. Bệnh Vàng lụi thì cây nào nhiễm cây đó vàng (vàng cả ruộng nếu toàn bộ diện tích mạ đã bị bệnh hoặc ruộng lúa bị bệnh rất nặng), lá lúa bị bệnh có triệu chứng vàng hoặc khảm với màu vàng nghệ tươi (vàng sáng rất đặc trưng), vàng từ đỉnh lá, mép lá vào, trên cây thì các lá phía dưới biến vàng trước (một số bệnh virus khác vàng lá mới trước). iii) Bệnh Vàng lụi có khả năng lây lan thông qua môi giới truyền bệnh là Rầy xanh đuôi đen còn nghẹt rễ sinh lý không có khả năng lây lan. iv) Để biết chính xác nhất thì cần kết hợp với phân tích mẫu.

Để ngăn ngừa và phòng trừ hiệu quả bệnh Vàng lụi cần thực hiện tổng hợp các biện pháp sau:

- Vệ sinh đồng ruộng: Tiêu huỷ nguồn bệnh bằng cách xử lý tàn dư sau thu hoạch (phơi khô cắt sát gốc rạ, thân cây ngô đem phơi khô hoặc sử dụng ủ thành phân hữu cơ) hoặc cày vùi gốc rạ nhưng cần phun chế phẩm sinh học để hạn chế bệnh nghẹt rễ sinh lý. Hiện chưa có kết quả nghiên cứu về ký chủ phụ đối với bệnh Vàng lụi trên lúa, ngô, tuy nhiên việc vệ sinh, tiêu huỷ các loại cỏ trên đồng ruộng là cần thiết để ngăn ngừa nhiều đối tượng dịch hại.

- Biện pháp canh tác: Bố trí thời vụ hợp lý, gieo cấy tập trung, đồng loạt, càng ít giống trên cùng một cánh đồng càng tốt; hạn chế gieo cấy các giống nhiễm rầy, đặc biệt là ở những vũng trũng, thấp, ổ rầy của nhiều năm; áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI); không bón quá thừa phân đạm,...

- Bảo vệ mạ: Không gieo mạ ở những nơi có nguồn sáng mạnh sẽ thu hút rầy đến; đối với vụ xuân thực hiện che phủ 100% nilon cho toàn bộ diện tích mạ để vừa chống rét vừa ngăn ngừa rầy xâm nhập; xử lý hạt giống trước khi gieo bằng bằng một số loại thuốc có trong danh mục, ví dụ như: Cruiser Plus 312.5FS, Enaldo 40FS, Gaucho 600FS,… Đồng thời phun thuốc tiễn chân mạ trước khi cấy 2-3 ngày đối với mạ khi phát hiện Rầy xanh đuôi đen bằng một số thuốc nội hấp có trong danh mục, ví dụ như: Actara 25WG, Virtako 1.5RG, Hichespro 500WP, Enaldo 40FS, Gaucho 600FS,…

- Kiểm soát và giám sát Rầy xanh đuôi đen thông qua hệ thống bẫy đèn và điều tra, tiến hành thu mẫu rầy vào đèn giám định virus trước khi gieo mạ, sau cấy và các thời điểm cần thiết khác. Ngoài ra, cần lưu ý đến các diện tích lúa tái sinh hoặc không gieo cấy vụ mùa.

- Khi phát hiện mạ, lúa bị bệnh cần tổ chức khoanh vùng và áp dụng biện pháp phòng trừ rầy, tiêu huỷ nguồn bệnh kịp thời, không để lây lan. Đối với ruộng tỷ lệ hại nhẹ thực hiện nhổ, vùi cây bệnh, tăng cường chăm sóc để lúa phục hồi, có thể sử dụng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như XO Sogan siêu ra rễ; XO siêu lân, bón lân và dinh dưỡng qua lá (vi lượng, hoặc lục diệp tố).... Trường hợp ruộng bị nặng, thực hiện cày vùi toàn bộ diện tích bị hại. Trước khi cày vùi thực hiện phun thuốc trừ rầy trên toàn bộ khu vực phát hiện bệnh bằng các loại thuốc đăng ký trừ rầy trong danh mục, ví dụ: Babsac 600 EC, Superista 25EC, Victory 585 EC, Rockfos 550 EC, Excel Basa 50EC, Nibas 50EC, Actara 25WG, Virtako 1.5RG, ...

Nguyễn Trường Giang

Phó chi cục trưởng


THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn