Thứ Bảy, 23/11/2024
Tập trung khắc phục, chăm sóc cây trồng sau ngập úng
Gửi bài In bài

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to trong nhiều ngày, kết hợp lũ trên thượng nguồn sông Thao, sông Bứa dồn về đã gây ngập úng cho nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê nhanh (ngày 22/7), chỉ riêng đối với trồng trọt, toàn tỉnh có trên 2.700 ha lúa (trong đó có gần 300 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, trên 850 ha bị thiệt hại rất nặng); 30 ha hoa màu và nhiều diện tích cây trồng khác bị ảnh hưởng.

Hiện nay, nước đã bắt đầu rút, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do ngập úng gây ra và hậu quả sau ngập úng, bà con cần tranh thủ khi thời tiết thuận lợi, tập trung chăm sóc, khôi phục lại các diện tích cây trồng bị ảnh hưởng.

- Đối với cây lúa: Những diện tích bị ngập nước đang rút cần tiến hành té rửa bùn, rêu đọng mắc vào lá lúa để cây nhanh hồi phục, tích cực làm cỏ sục bùn để giải phóng khí độc hạn chế bệnh sinh lý sau mưa kéo dài; tiến hành bón thúc đẻ nhánh đối với diện tích mới cấy chưa được bón hoặc bón bổ sung đối với những diện tích vừa bón xong nhưng gặp mưa lớn làm rửa trôi phân bón. Theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh, trước mắt là sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 nở vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 gây hại cho trà sớm và gây hại muộn hơn khoảng 1 tuần đối với trà trung.

- Đối với cây ngô: Khi nước rút cần tiến hành dựng lại, trồng lại để đảm bảo mật độ, diện tích; Khi mặt ruộng khô ráo, tiến hành xới xáo phá váng và bón thúc đợt 2 khi cây 7 - 9 lá. Lưu ý phòng trừ bệnh khô vằn kịp thời.

- Đối với diện tích rau màu: Khơi thông rãnh luống, rãnh quanh ruộng để nước rút nhanh, sau khi nước mặt rút thì tiến hành xới xáo, phá váng ngay; ngắt bỏ những lá bị dập nát, lá bệnh, cây chết đem tiêu huỷ và phòng trừ bệnh kịp thời để tránh lây lan, nhất là đối với một số loại bệnh thối thân lá, thối gốc do nấm gây ra.

- Đối với diện tích cây ăn quả: Vệ sinh vườn ngay để loại bỏ cỏ rác, bùn bám trên gốc cây, thân cành hạn chế nguồn bệnh phát sinh; xới xáo mặt đất nhưng tránh làm ảnh hưởng tới bộ rễ, đối với vùng đồng bằng, bãi ven sông nước rút chậm thì cần tạo rãnh trong vườn để rút nước, không để bộ rễ ngâm bị ngâm trong nước dài ngày có thể làm chết cây, nhất là cây ăn quả có múi có hệ nấm cộng sinh với rễ; phun bổ sung dinh dưỡng qua lá khi thời tiết thuận lợi và nước đã rút để cây nhanh hồi phục không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả.

Thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh đối với sản xuất là rất lớn. Song song với việc khôi phục sản xuất, thời gian tiếp theo các địa phương và bà con nông dân cần có kế hoạch gieo trồng thay thế, bổ sung đối với các diện tích bị thiệt hại hoàn toàn để bù đắp lại những thiệt hại do mưa lũ gây ra./.

TRƯỜNG GIANG

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn