Thứ Năm, 25/4/2024
Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi giai đoạn ra hoa – đậu quả
Gửi bài In bài
Thụ phấn bổ sung cho cây bưởi Đoan Hùng

Năm 2018, cây bưởi Đoan Hùng chín sớm hơn và thu hoạch sớm hơn năm trước khoảng 2 tuần. Mặt khác, vụ xuân năm nay thời tiết có nhiều ngày nắng ấm trong dịp Tết Nguyên Đán nên đa số các vườn bưởi ra lộc và ra hoa sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Tại Đoan Hùng, hiện tại cây bưởi đang bắt đầu ra hoa rộ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, một số đối tượng sâu bệnh đã xuất hiện, gây hại. Giai đoạn cây ra hoa – đậu quả là thời điểm cây bưởi rất mẫn cảm với sâu bệnh và khô hạn, ảnh hưởng lớn đến quá trình đậu quả. Do đó cần có những biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp để cây giữ được quả, không làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng sau này. Với bài viết này, chúng tôi xin bà con lưu ý một số biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi như sau:

* Chăm sóc, dinh dưỡng: Thường xuyên giữ ẩm cho vườn bưởi bằng biện pháp tưới nước đảm bảo ẩm độ cho cây sinh trưởng phát triển tốt, kết hợp dùng máy cắt cỏ hạn chế nơi cư trú của các đối tượng sâu bệnh. Bón nuôi lộc, hoa bằng phân đạm, kali với lượng từ 0,3-0,4kg đạm UREA + 0,2-0,3 kg kali clorua đối với cây đã cho quả ổn định, đồng thời bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây bằng cách sử dụng phân bón qua lá có các nguyên tố đa, vi lượng, đặc biệt lưu ý phân bón vi lượng có hàm lượng Bo như: Botrac, Agrifert - Liquid Bor, Profarm - Lbor, Profarm - Fruity, V – Zinplus…phun ướt đều trên tán cây, phun 2-3 lần trong giai đoạn này.

* Kỹ thuật thụ phấn bổ sung (đối với bưởi Đoan Hùng): Sử dụng hoa bưởi chua, bưởi diễn làm hoa cho phấn, chọn những hoa khoẻ, mới nở (hoa to, đều, cánh màu trắng), dùng panh kẹp bỏ cánh hoa và nhụy hoa, sau đó lấy nhị của hoa cho phấn chấm nhẹ lên đầu nhụy hoa bưởi Đoan Hùng. Mỗi hoa cho phấn thụ cho khoảng 8-10 hoa bưởi Đoan Hùng. Thời gian thụ phấn tốt nhất từ 8-10 giờ và 14-16 giờ hàng ngày.

* Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra vườn bưởi, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh, cần chú ý các đối tượng: Rầy, rệp, nhện, bệnh thán thư, bệnh chảy gôm…

+  Rầy, rệp các loại: Khi cây có trên 25%  cành, lá bị hại sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như thuốc: Biomax 1EC, Applaud 25SC, Hello 700WG, Map - Judo 25WP, Taron 50EC, Actara 25WG,...

+ Nhện đỏ: Khi cây có trên 10% lá, quả bị hại sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như thuốc: Brightin 4.0EC, Altivi 0.3EC; Dylan 2EC; Proclaim 1.9EC, Feat 25EC, Comda gold 5WG, Tasieu 1.9EC, Alfamite 15EC,... Lưu ý: pha phun theo đúng nồng độ, phun lúc trời râm mát để thuốc không ảnh hưởng đến hoa, quả non.

+ Bệnh thán thư: Trong điều kiện mưa ẩm kéo dài, bệnh phát triển gây hại. Khi cây có trên 10% chồi lộc, 30% lá, quả non bị hại, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như thuốc: Actinovate 1SP, Actino - Iron 1.3SP,...

+ Bệnh chảy gôm: Khi trên vườn có trên 10% thân cây bị bệnh hoặc trên 25% số cành bị bệnh, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như: Stifano 5.5SL, Sat 4SL, MAP Green 6SL, Xanized 72WP, Tungsin-M 72WP, Alpine 80WP (80WG),...

Chúc bà con nông dân một vụ bưởi thắng lợi./.

Đỗ Chí Thành

Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV Đoan Hùng

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn