Đ/c Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra đồng ruộng tại huyện Lâm Thao
Vụ Xuân năm nay,
toàn tỉnh gieo cấy hơn 36.400 ha, đạt 100, 75% kế hoạch, trong đó diện tích lúa
chất lượng chiếm khoảng 50% tổng diện tích, chủ yếu là các giống: JO2, Hương
Thơm số 1, TBR 225,... Qua kỳ điều tra Tuần 13 (23,24/3), trà Xuân sớm và Trà 1
lúa đang ở giai đoạn làm đòng; Trà 2 lúa đang giai đoạn cuối đẻ - đứng cái. Nhìn
chung cây lúa sinh trưởng khá đồng đều, tuy nhiên nguồn bệnh đạo ôn đã xuất hiện
trên đồng ruộng tại nhiều huyện như: Thanh Thủy (Đồng Trung, Đoan Hạ, Bảo Yên,
Tu Vũ, Đoan Hạ, Bảo Yên); Thị xã Phú Thọ (Hà Lộc, Phú Hộ); Yên Lập (thị trấn
Yên Lập, Xuân Viên, Mỹ Lung); Lâm Thao (Cao Xá, Vĩnh Lại, Bản Nguyên, Sơn Vi); Tam
Nông (Lam Sơn, Bắc Sơn, Vạn Xuân); Thanh Ba (Đồng Xuân, Lương Lỗ, Hanh Cù, Mạn
Lạn); Thanh Sơn (Cự Đồng, Cự Thắng, Sơn Hùng); Hạ Hòa (Vĩnh Chân, Văn Lang, Xuân
Áng); Phù Ninh (Bình Phú, Bình Phú); xã Thụy Vân - T.P Việt Trì. Bệnh xuất hiện
trên giống JO2, BC15, Nhị ưu số 7, Nhị
ưu 838, Nghi hương, nếp, X21....Tỷ lệ hại phổ biến 0,6- 3,5%, cao 4,0 - 8%, cục
bộ 9,0 - 18% (tại xã Đồng Trung - Thanh
Thủy; Lương Lỗ, Hanh Cù, Mạn Lạn – Thanh Ba).
Hiện tại, thời
tiết mưa ẩm, trời âm u, nhiệt độ thấp đang là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo
ôn phát sinh, lây lan, gây hại. Theo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn tháng
3 của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tháng xuất hiện những ngày mưa nhỏ,
mưa phùn và sương mù, nhiệt độ không khí trung bình 21-22 độ. Đồng thời, nhiều
diện tích lúa được bổ sung phân bón thúc đòng. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh
đạo ôn tiếp tục phát triển, lây lan mạnh. Nếu để bệnh gây hại mạnh vào thời kỳ
lúa đẻ nhánh làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây lúa, đồng thời có nguy
cơ gây hại cổ bông, cổ gié khi lúa trỗ, gây hiện tượng lép trắng bông, ảnh hưởng
rất lớn đến năng suất.
Trước tình hình
trên, để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất bệnh đạo ôn gây hại đối
với lúa xuân, các địa phương cần tập trung hướng dẫn nông dân thăm đồng thường
xuyên, xử lý kịp thời khi nguồn bệnh, ổ bệnh trên đồng ruộng. Tranh thủ thời tiết
thuận lợi, phun phòng trừ ngay đối với những ruộng đã nhiễm bệnh. Sử dụng các
loại thuốc loại thuốc có trong danh mục, ví dụ như:Fu-army 30WP, Fu-army 40EC, Katana 20SC,
Lúa vàng 20WP, Trizole 75WP, Ka-bum 650WP, Funhat 40WP, Bamy 75WP.... Nếu ruộng bị
nặng cần phải phun kép (2 lần), lần 2 cách lần 1từ 5 - 7 ngày, phun kỹ cho thuốc
tiếp xúc đều trên lá, tuyệt đối không phun thuốc BVTV kèm với phân bón qua
lá. Đặc biệt, khi phát hiện ruộng bị bệnh,
ngừng bón các loại phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng để hạn chế bệnh
phát triển lây lan. Khi phun thuốc gặp
điều kiện bất thuận thì phải phun lại. Lúa bị nhiễm đạo ôn giai đoạn trỗ bông
thì phun kép: Lần 1lúc lúa thấp tho trỗ, lần 2 khi lúa trỗ hoàn toàn mới đảm bảo
năng suất./.
KS. Bùi Thị Việt Oanh –
Phòng BVTV