Thứ Bảy, 23/11/2024
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI KHCN CẤP CƠ SỞ Kết quả nghiên cứu đề tài KHCN cấp cơ sở “Thử nghiệm hiệu lực một số thuốc, hoạt chất bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu keo mùa thu hại trên cây ngô tại xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba”
Gửi bài In bài
Lãnh Đạo Chi cục thăm và kiểm tra đề tài nghiên cứu

Sâu keo mùa thu có tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E. Smith, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea). Sâu keo mùa thu có thể gây hại trên 300 loài thực vật, bao gồm ngô, lúa, lúa miến, kê, mía, cây rau, bông và nhiều loại cây trồng khác, trong đó ký chủ thích hợp nhất của chúng là cây ngô. Sâu keo mùa thu có vòng đời ngắn từ 22 - 29 ngày/lứa, phát dục không tập trung nên trong một vụ ngô, khi sử dụng thuốc BVTV thường phải phun nhiều lần để phòng trừ.

Để phòng trừ sâu keo mùa thu Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành hướng dẫn các thuốc sử dụng tạm thời. Tuy nhiên, chủng loại thuốc BVTV để phòng trừ sâu keo mùa thu trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, mặt khác, các thuốc hiện tại, khi sử dụng đều phải tăng nồng độ, liều lượng nhiều lần so với hướng dẫn ghi trên nhãn, làm tăng chi phí sản xuất. Xuất phát từ thực tế trên Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã thực hiện đề tài: Thử nghiệm hiệu lực một số thuốc, hoạt chất Bảo vệ Thực vật trong phòng trừ sâu keo mùa thu hại cây ngô tại cánh đồng Bờ Sông khu 2 xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ với diện tích 10.080 m2, số hộ tham gia 24 hộ. Với mục đích có thêm lựa chọn thuốc BVTV trong phòng trừ sâu keo mùa thu, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.  

Tại Phú Thọ, sâu keo mùa thu được xác nhận xuất hiện, gây hại trên cây ngô từ vụ xuân 2019 và đến nay đã gây hại ở tất cả các huyện thành thị trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu năm 2019 là 2.210ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.306 ha, nhiễm trung bình 666 ha, nhiễm nặng 238 ha. Vụ xuân 2020 là 376 ha (nhiễm nhẹ 301,6 ha; nhiễm trung bình 67,2 ha, nhiễm nặng 7,5ha).

Tại điểm triển khai đề tài: Kết quả điều tra, khảo sát các hộ trồng ngô cho thấy hầu hết các giống ngô người dân đang sử dụng đều bị sâu keo mùa thu gây hại (trừ những giống ngô biến đổi gen), giai đoạn bị hại nặng từ 2 - 9 lá; Năng suất ngô giảm từ 20% đến 50%,  cá biệt có ruộng bị thiệt hại trên 70%, trong đó vụ hè thu 2019 bị giảm năng suất nhiều nhất; Số lần phun thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu/vụ từ 3 - 4 lần, có một số hộ phun 5 - 6 lần do người dân sử dụng chưa đúng thuốc, không đúng hướng dẫn phòng trừ và thời điểm phòng trừ nên hiệu quả phòng trừ thấp. Một số thuốc phổ biến đang được nông dân sử dụng trong phòng trừ sâu keo mùa thu như Emaben 2.0EC (hoạt chất Emamectin benzoate), Regant 1.8EC, Dylan 2EC (hoạt chất Abamectin), Bestox 5EC(hoạt chất Alpha- Cypermethrin) Goldmectin 36EC (hoạt chất Abamectin + Azadirachtin).

Căn cứ vào các hoạt chất được hướng dẫn để phòng trừ sâu keo mùa thu do Cục Bảo vệ thực vật ban hành tạm thời, nhóm thực hiện đề tài đã rà soát chủng loại thuốc hiện đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh và chọn lọc ra một số thuốc có hoạt chất như hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật để tiến hành thử nghiệm như thuốc Chetsau 100WG, Radiant 60SC, Emaben 2.0EC. Kết quả phun thử nghiệm hiệu lực phòng trừ một số hoạt chất, thuốc BVTV cho thấy thuốc Chetsau 100WG có hoạt chất Indoxacarb 50g/kg + Emamectin benzoate 50g/kg hiệu lực đạt 98,49 - 99,20%; thuốc Radiant 60SC hoạt chất Spinetoram đạt 85,29 - 86,11%; thuốc Emaben 2.0EC hoạt chất Emamectin benzoate 20g/kg đạt 77,66 - 78,83% (đây là thuốc và hoạt chất đang được sử dụng phổ biến để phòng trừ sâu keo mùa thu).

Về hiệu quả kinh tế: Công thức sử dụng thuốc Chet sau 100WG năng suất đạt 212 kg/sào (5.908 kg/ha) và cho lãi cao nhất, đạt 17.116.000 đồng/ha; công thức phun thuốc Radiant 60SC  đạt 209 kg/sào (5.824 kg/ha), cho lãi 15.072.000 đồng/ha; công thức phun thuốc Emaben 2.0EC 203 kg/sào (5.656 kg/ha), cho lãi 15.968.000 đồng/ha.

Từ kết quả nghiên cứu đề tài, chúng tôi xác định các thuốc chứa các hoạt chất Indoxacarb 50g/kg + Emamectin benzoate 50g/kg; Spinetoram; Emamectin benzoate 20g/kg đều có hiệu quả trong phòng trừ sâu keo mùa thu, trong đó thuốc Chetsau 100WG, Radiant 60SC có hiệu quả phòng trừ sâu keo mùa thu đạt trên 80%./.

                                                                                                                       Nguyễn Ngọc Dung 
                                                                                                                     Phó trưởng phòng Bảo vệ thực vật



THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn