Thứ Bảy, 23/11/2024
Kết quả ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh
Gửi bài In bài
Tổng kết mô hình IPM trên cây lúa gắn với tổ dịch vụ BVTV năm 2020

Ngày 02/6/2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020. Trước đòi hỏi của thực tiễn và thực hiện đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch số 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 về "Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh" với mục tiêu giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV hóa học đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, đồng thời đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững góp phần thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Sau 5 năm thực hiện kết quả đạt được trên địa bàn tỉnh như sau:

Về công tác chỉ đạo, triển khai chương trình IPM đã được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện, bố trí nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp: UBND tỉnh đã có Quyết định số 659/QĐ-UBND ngày 23/3/2016 phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020. Hầu hết các huyện đều xây dựng kế hoạch giai đoạn, kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 10 văn bản về công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và quyết định phân bổ các nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án khuyến nông trung ương, nguồn vốn dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Phú Thọ (WB7) để triển khai các lớp đào tạo tiểu giáo viên (TOT), tập huấn nông dân tại đồng ruộng (FFS) và xây dựng các mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA), mô hình tưới tiết kiệm, mô hình bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Các mục tiêu cụ thể của kế hoạch cơ bản đã đạt được, trong đó số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về IPM/tổng số xã = 92,9% (Kế hoạch là 90%); Chỉ tiêu trên các cây trồng chính:

- Đối với cây lúa: Diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (gồm cả SRI, gieo sạ): trên 46 ngàn ha, tương đương 76% (KH là 80%); Số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM: 90,2% (KH là 70%); Lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 45,5% (KH 50%); Lượng phân đạm giảm 12 % (KH 10%); Lượng nước tưới giảm 21,2% (KH 20%); Tăng hiệu quả sản xuất tăng 14,7% (KH 10%).

- Đối với cây rau:Diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (gổm cả RAT, VietGAP): trên 3,7 ngàn ha tương đương 62,3% (KH 70%); Số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM: 73% (KH 70%); Lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 37% (KH 50%); Lượng phân đạm giảm 17,3% (KH 20%); Tăng hiệu quả sản xuất tăng 25,7 % (KH 30%).

- Đối với cây chè: Diện tích ứng dụng IPM đầy đủ (gồm cả Chè an toàn, VietGAP, RFA, UTZ...): trên 9,2 ngàn ha tương đương 70,7 % (KH 80%); Số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM: 79,5 % (KH 70%); Lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 54,6 % (KH 50%); Tăng hiệu quả sản xuất tăng 15,3 % (KH 15%).

- Đối với cây bưởi: Diện tích ứng dụng IPM đầy đủ: trên 3,0 ngàn ha tương đương 71,4 % (KH 70%); Số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM: 71,3 % (KH 70%); Lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm 32 % (KH 30%); Tăng hiệu quả sản xuất 22% (KH 20%).

Công tác tập huấn, tuyên truyền được triển khai liên tục, rộng khắp gắn với việc triển khai sản xuất tại các địa phương. Cấp tỉnh đã viết 70 tin, bài đăng trên báo Phú Thọ, bản tin, trang thông tin điện tử của ngành; xây dựng được 67 tin, phóng sự, chuyên mục truyền hình; cấp phát 36.220 tờ rơi tài liệu. Cấp huyện đã viết 241 tin, bài; xây dựng 150 tin, phóng sự truyền hình; 12.667 lượt phát thanh tại các xã, khu dân cư; cấp phát 117.179 tờ rơi tài liệu kỹ thuật. Triển khai được 5 lớp đào tạo tiểu giáo viên (TOT) về cây bưởi, rau, lúa, chè; 189 lớp huấn luyện nông dân đồng ruộng (FFS) với trên 9 nghìn lượt người tham gia; 3.450 lớp tập huấn triển khai sản xuất, phổ biến kỹ thuật cho trên 160 nghìn lượt người tham gia.

Công tác xây dựng mô hình được triển khai đồng bộ trên các cây trồng chính, các mô hình đều cho kết quả tốt, có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực để mở rộng diện tích ứng dụng IPM trên cây trồng theo từng năm. Tổng số mô hình triển khai trong giai đoạn là 359 mô hình, số hộ tham gia 96.045 hộ, diện tích áp dụng 19.416,7 ha. Trong đó: Cây lúa 159 mô hình (KH 65 MH); cây rau 26 mô hình (KH 30 MH); cây chè 24 mô hình (KH 45 MH); cây bưởi 60 mô hình (KH 25 MH); mô hình IPM khác như: Bể chứa,  diệt chuột tập trung, ngô, ổi, cây dược liệu, … là 90 mô hình. Riêng đối với mô hình tổ dịch vụ bảo vệ thực vật, từ năm 2016 - 2020, số tổ dịch vụ được thành lập là 61 tổ. Diện tích Tổ dịch vụ thực hiện 4.636,09 ha, trong đó trên cây lúa 2.276,4 ha; cây rau 92 ha; cây chè 117,2 ha, cây bưởi 554,49 ha, cây trồng khác 10 ha. Có 08 tổ dịch vụ hoạt động BVTV toàn phần và 53 tổ dịch vụ hoạt động BVTV bán toàn phần. Tính đến nay số tổ còn hoạt động là 55 tổ; số tổ không hoạt động là 06 tổ, do giải thể Hợp tác xã, không có thành viên.

Từ kết quả đạt được có thể khẳng định chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng giai đoạn 2016-2020 là định hướng, giải pháp phù hợp trong canh tác bền vững đã được các cấp, ngành quan tâm, được nông dân, các HTX, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hưởng ứng, áp dụng. Thực hiện IPM đã giảm được mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khẻo cộng đồng, môi trường, giảm lượng phân bón hóa học, làm môi trường sản xuất sạch và bền vững. Đồng thời nâng cao được chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Tổ dịch vụ BVTV đã phát huy được hiệu quả đối với những vùng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ các giải pháp về canh tác như cùng thời vụ, cùng giống, cùng kỹ thuật chăm sóc; cũng như hiệu quả cao đối với những địa hình khó khăn, thời điểm phòng trừ cần nhanh gọn.

Mặc dù chương trình quản lý dịch hại IPM trên cây trồng đã đạt được những kết quả rất khả quan nhưng sản xuất nông nghiệp tiếp tục đòi hỏi ngày càng cao về an toàn thực phẩm, về bảo vệ môi trường sinh thái và những thách thức mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Thời gian tới chương trình IPM sẽ tiếp tục được áp dụng rộng khắp như tinh thần tại Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và PTNT.

PHÓ CHI CỤC TRƯỞNG

Nguyễn Trường Giang




THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn