Thứ Ba, 19/11/2024
Chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông vụ xuân 2021
Gửi bài In bài
Vết bệnh Đạo ôn lần lượt trên lá, trên đốt thân và trên cổ bông

Vụ Xuân 2021, toàn tỉnh gieo cấy được trên 36 nghìn ha, trong đó lúa lai 13 nghìn ha, lúa chất lượng cao 18 nghìn ha. Hiện tại (14/4) lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chủ yếu đang trong giai đoạn đòng đến đòng già, rải rác có diện tích lúa sớm đã trỗ, dự kiến lúa trỗ tập trung từ 20/4 trở đi.

Qua điều tra sinh vật gây hại tuần 15 (07-13/4/2021) của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Bệnh đạo ôn tiếp tục lây lan, phát sinh gây hại rải rác tại các huyện, thành, thị; tỷ lệ nhiễm bệnh đạo ôn lá phổ biến 0,1 - 2,0%, cao 3,0 - 8,0%, cục bộ 12 - 16% (Mỹ Lung - Yên Lập; Chân Mộng - Đoan Hùng; Thu Cúc, Thạch Kiệt, Tân Phú - Tân Sơn); cấp bệnh phổ biến: Cấp 1,3. Diện tích nhiễm 293 ha.

Theo dự báo, những ngày tiếp theo trời nhiều mây, có mưa, ẩm độ không  khí cao, nhiệt độ giao động từ 20 - 29 độ C. Đây tiếp tục là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển và có nguy cơ gây hại trên cổ bông, cổ gié làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu không được phòng trừ kịp thời. Để phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông có hiệu quả bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Giai đoạn lúa trỗ bông – phơi màu là thời gian cây lúa chống chịu kém nhất với điều kiện thời tiết và sâu bệnh hại, đặc biệt cần lưu ý những ruộng đã bị đạo ôn lá, những giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn (J02, TBR225, nhị ưu 838, các giống nếp,....).

- Bệnh đạo ôn gây hại trên cổ bông, cổ gié sẽ cắt đứt sự vận chuyển chất vào hạt, gây bông bạc, làm thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, sản lượng. Những ruộng bị nhiễm đạo ôn lá ở giai đoạn lúa trỗ - phơi màu với tỷ lệ 5% lá hại có nguy cơ làm thất thu năng suất từ 50% trở lên, thậm chí là mất trắng nếu thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển. Vì vậy, đối với những ruộng đã nhiễm đạo ôn lá thì nhất thiết phải phun phòng trừ đạo ôn cổ bông khi lúa thấp tho trỗ và phun lại lần 2 khi lúa đã trỗ hoàn toàn. Đối với các diện tích khác cần kiểm tra kỹ trước khi lúa trỗ, khi xuất hiện vết bệnh mới (là những chấm nhỏ màu xanh nhạt đến xám, xung quanh có viền màu vàng ) cần tiến hành phun phòng trừ ngay để đảm bảo không lây lan lên cổ bông, cổ gié.

- Khi phát hiện bệnh đạo ôn cần dừng bón các loại phân hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng,  phun phòng trừ kip thời, triệt để không để bệnh lây lan trên diện rộng. Tuyệt đối không dùng phân qua lá phun cùng với thuốc BVTV. Sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc được sử dụng tại Việt Nam, ví dụ như: Fu-army 30WP/40EC, Lúa vàng 20WP, Grin USA 860WP, Trizole 75WP, Ka-bum 650WP, Funhat 40WP, Bamy 75WP, Filia 525SE, Nativo 750WG,..., phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá. Nếu ruộng bị nặng cần phải phun kép (2 lần) lần 1 cách lần 2 từ 5 - 7 ngày.

KS. Bùi Thị Việt Oanh

Phòng Bảo vệ thực vật

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn