Thứ Bảy, 23/11/2024
Phòng trừ một số sâu bệnh hại chủ yếu cho cây bưởi giai đoạn phát triển quả
Gửi bài In bài
Cán bộ BVTV hướng dẫn cho nông dân nhận biết dịch hại trên cây bưởi

Đối với cây bưởi kinh doanh, sau khi kết thúc đợt rụng quả sinh lý lần 2 (thường là đến cuối tháng 4), cây bưởi sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển quả. Giai đoạn này, quả bưởi sẽ tăng trưởng nhanh về kích thước và trọng lượng. Giai đoạn phát triển quả thường kéo dài 3,5 - 4 tháng, kết thúc trong tháng 7, 8. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển quả diễn ra trong mùa hè nắng nóng, có nhiều đối tượng sinh vật gây hại (SVGH) có nguy cơ làm suy giảm về năng suất, chất lượng, mẫu mã quả nếu không được phòng trừ kịp thời. Hơn nữa, do ảnh hưởng từ việc thu hoạch muộn từ vụ trước, dẫn đến một số diện tích bưởi ở một số vùng ra hoa muộn, gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi tỷ lệ đậu quả không cao. Do đó, phòng trừ kịp thời các đối tượng SVGH để giữ được số quả trên cây vụ bưởi năm 2021 là hết sức quan trọng. Một số đối tượng cần chú ý phòng trừ trong giai đoạn phát triển quả như sau:

* Ruồi đục quả: Ruồi đục quả bắt đầu gây hại từ tháng 6, thường gây hại mạnh trong tháng 7, tháng 8có thể kéo dài đến lúc thu hoạch. Ruồi đục quả thường gây hại mạnh hơn ở những vườn bưởi có quả bị bệnh sẹo, loét (vết bệnh màu vàng thu hút ruồi). Đây là đối tượng gây rụng quả và làm giảm năng suất rất lớn đối với các vườn bưởi, nhất là đối với giống bưởi Diễn. Quả bưởi bị ruồi chích chuyển màu vàng rồi rụng quả, thối quả sau thu hoạch.

Để phòng trừ có thể sử dụng một số biện pháp như sau: Sử dụng túi bao quả và bao quả trong tháng 5; bỏ túi bao trước khi thu hoạch từ 1-1,5 tháng. Dùng bẫy dính màu vàng hoặc chất dẫn dụ côn trùng (ví dụ: Vizubon D AL, Ento-Pro 150SL, Acdruoivang 900OL, …) để bắt trưởng thành. Khi vườn có tỷ lệ quả bị hại từ 5% trở lên có thể sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam trừ ruồi đục quả hại cây có múi có hoạt chất như: Abamectin, Petroleum spray oil, Methyl Eugenol, … (ví dụ: Soka 25EC, Dr.Jean 800EC, …) để phun phòng trừ theo hướng dẫn trên bao bì.
* Sâu đục gốc, thân, cành: Gây hại tập trung trong các tháng 4,5,6, rải rác trong các tháng còn lại. Trưởng thành sâu đục gốc, thân, cành chính là xén tóc hoa, xén tóc nâu, xén tóc xanh. Phòng trừ chủ yếu bằng cách: Quét nước vôi đặc 2-3 lần/năm vào gốc cây và các cành cấp 1. Vệ sinh vườn thường xuyên, không để cỏ, tủ kín gốc cây. Thăm đồng thường xuyên, bắt xén tóc trưởng thành bằng cách thủ công hoặc dùng bẫy đèn (vì xén tóc rất thích ánh sáng đèn). Đối với sâu đục cành cần liên tục cắt bỏ và đốt những cành bị sâu hại. Đối với sâu đục thân và đục gốc, diệt sâu non mới hại bằng cách dùng gai mây luồn vào vết sâu đục hoặc bơm thuốc trừ sâu có tác dụng tiếp xúc, xông hơi vào lỗ đục rồi bít kín lại.
* Rệp vảy hại bưởi: Rệp vảy phát sinh quanh năm nhưng tập trung gây hại thời kỳ phát triển quả. Có nhiều loại rệp vảy với các màu đen, nâu hoặc xanh. Chúng bám chặt vào cành, lá, quả và chích hút dinh dưỡng của cây, của quả làm cây sinh trưởng kém, còi cọc rồi chết làm cho quả xấu, chất lượng kém. Những cây có rệp hại thường có nấm bồ hóng màu đen mọc trên dịch ngọt do rệp vảy tiết ra và có kiến, vì kiến cũng thích dịch ngọt của rệp và sẽ giúp cho rệp di chuyển, lan truyền trong vườn.
Phòng trừ bằng các biện pháp: Bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch của rệp phát triển như bọ rùa, kiến vàng, bọ cánh cứng. Khi vườn có tỷ lệ cành, lá bị hại trên 25% có thể sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam trừ rệp trên cây có múi có hoạt chất: Buprofezin, Spirotetramat , Petroleum spray oil, ... (Ví dụ thuốc: Applaud 25SC, Movento 150OD, Citrole 96.3EC,. …) để phòng trừ theo hướng dẫn trên bao bì.
* Bệnh loét: Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestri pv citri (Hance) Dowson. gây ra. Chúng tồn tại trên lá, quả, thân, cành của cây đã bị bệnh; lan truyên nhờ các tác nhân cơ giới, gió, nước mưa; thường phát sinh trong điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao. Lá bị bệnh sẽ biến dạng, chuyển vàng và rụng; quả bị bệnh vết bệnh nổi gờ và giữa là phần tế bào bị chết rạn nứt; nếu để nặng, vết bệnh có thể sẽ loét sâu vào phần thịt quả bên trong, quả bị biến dạng, thậm chí là khô, ít nước, mã bị xấu đi, ảnh hưởng đến chất lượng quả khi thu hoạch. Trên thân cây và cành cây, quả xuất hiện những vết bệnh loét sẽ sùi lên rõ ràng hơn; có trường hợp, vết loét có thể dài tới 15 cm ở thân, còn với những cành nhánh thì có thể bị loét từ 5 - 7cm.
Biện pháp phòng trừ: Tỉa cành, tạo tán định kỳ để vườn cây thông thoáng tránh tạo vết thương cơ giới cho vi khuẩn xâm nhập; cắt và thu gom cành, quả bị bệnh đem tiêu hủy. Khi vườn có tỷ lệ lá, quả bị bệnh trên 10% có thể sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam trừ bệnh loét trên cây có múi có hoạt chất như: Bacillus amyloliquefaciens, Kasugamycin, Streptomycin sulfate, Ningnanmycin , Bismerthiazol, Gentamicin sulfate, Oxytetracycline Hydrochloride, ...(ví dụ thuốc: Serenade SC, Anti-xo 200WP, Avalon 8WP, Kata 2 SL, Kagomi 3SL, Liberty 100 WP, Saipan 2 SL, Kozuma 8SL, …) để phun phòng trừ theo hướng dẫn trên bao bì./.


                                                                                                                         Ths. Trần Thái Ninh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ




THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn